Tìm lại xứ len

Cập nhật: 11-11-2014 | 08:11:53

Phường Đông Hòa, TX.Dĩ An từ lâu đã được biết đến là xứ sở của nghề đan len. Đan len đã trở thành kế sinh nhai cũng như là niềm tự hào của không ít bà con nơi đây. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước, còn bây giờ nghề đan len đang có nguy cơ bị mai một…

 Bà Phạm Thị Hường đang hoàn thiện chiếc mũ len Ảnh: H.THỦY

 Một thời vang bóng

Ít người biết chính xác nghề đan len hay còn gọi là gia công len ở phường Đông Hòa có từ lúc nào. Tuy so với các nghề truyền thống khác ở Bình Dương như nghề gốm, nghề sơn mài thì nghề đan len đã xuất hiện khá lâu, trước những năm giải phóng. Hồi ấy, nghề này được manh nha theo bước chân của những người dân giáo xứ ở ngoài Bắc vào. Dần dần người này truyền người kia mà hình thành một làng nghề, tập trung đông nhất ở KP.Tân Quý. Nghề đan len xưa kia chỉ hạn hẹp trong phạm vi gia đình. Trước là đan tay, sau này mới xuất hiện máy và hồi ấy cũng chủ yếu đan thường, ít kiểu cách. Từ ngày giải phóng, thị trường len phong phú, nghề gia công len vì thế cũng phát triển theo. Trước những năm 2007, nghề đan len ở đây được xem là thời kỳ hoàng kim. Người người, nhà nhà đan len, không khí làm việc ở Tân Quý luôn nhộn nhịp, đi đâu cũng nghe tiếng máy ồn ã, tiếng cười đùa trò chuyện của những người làm len. “Hồi ấy, nhà nhà đan len, đan mũ, nhà đan áo, già trẻ lớn bé gì cũng xúm lại, mỗi người một khâu. Làm ngày làm đêm mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho các thương lái”, bà Phạm Thị Hường (58 tuổi), nhớ lại. Cơ sở của bà Hường lúc làm ăn phát đạt thuê 9, 10 nhân công, mỗi ngày làm ra khoảng 3.000 chiếc mũ len, làm bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu. Những sản phẩm của làng len Tân Quý không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu sang nước bạn Campuchia. Nghề đan len lúc bấy giờ trở thành kế sinh nhai, mang lại thu nhập, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.

Tìm lại làng len ngày ấy

Khu phố Tân Quý có 430 hộ, nay chỉ còn 50 hộ theo nghề, con số này ngày càng giảm. “Làng nghề bây giờ buồn lắm, họ bỏ nghề đi làm việc khác như xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp, lương cao mà công việc cũng ổn định hơn. Kể cả những chị em trước đây tâm huyết với nghề nay cũng đã chuyển sang buôn bán”, chị Phan Thị Kim Dung, nói. Hộ gia đình bà Hường, ông Xuân dù đã làm nghề len đã rất lâu nhưng nếu trước đây sản xuất 3.000 chiếc mũ len/ngày thì nay con số đó chỉ còn chưa đầy 200 chiếc mũ/ngày. Thời kỳ còn hưng thịnh, những tháng này được xem là hái ra tiền của bà con nơi đây thì nay cũng lưa thưa vài hộ làm theo kiểu cầm chừng. Ông Lưu Văn Xuân, 62 tuổi, theo nghề hơn nửa đời người vẫn đau đáu: “Đan len giờ chỉ còn là thú vui cho những người nhàn rỗi, còn với những cơ sở đan len như chúng tôi thì đang phải “gồng mình”, cuộc chiến cạnh tranh hết sức khốc liệt, hàng ngoại nhập về nhan nhãn, mẫu mã phong phú. Dù đã cố gắng cập nhật theo xu hướng thời trang nhưng làng len Tân Quý vẫn bị nhiều thương lái lắc đầu vì không thể cạnh tranh nổi”.

Mỗi sản phẩm làm ra đều được người thợ chăm chút tỉ mỉ. Từ khâu chọn nguyên liệu, vật liệu đến khâu gia công đều được làm bằng cái tâm và lòng yêu nghề cháy bỏng. Theo như những người còn bám trụ, nghề đan len đã thấm vào máu, đã trở thành cái nghiệp, bất đắc dĩ vì khó khăn tiêu thụ đầu ra mà họ đành phải bỏ nghề. Bà Võ Thị Mỹ Hà, Chủ tịch UBND phường Đông Hòa cho biết: “Nguyên nhân khiến làng nghề mai một là do nghề đan len không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, lớp kế cận không còn mặn mà theo nghề, kể cả nhiều người làm lâu năm cũng quay lưng lại với nghề truyền thống. Phường cũng cố gắng động viên bà con duy trì nghề, hỗ trợ vay vốn nhưng không còn nhiều hộ hưởng ứng”.

Thực tế cho thấy, nghề đan len ở Đông Hòa đang tồn tại theo dạng manh mún, tự làm tự bán, chưa có sự liên kết tìm kiếm thị trường. Nếu tìm được hướng đi đúng thì thương hiệu len Đông Hòa sẽ tìm được chỗ đứng mới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hơn.

 HỒNG THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên