Triển lãm giáo dục Bình Dương qua 40 năm: Bức tranh sinh động về sự phát triển

Cập nhật: 21-03-2015 | 08:54:25

Sáng qua (20-3), tại sân vận động trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM), Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã khai mạc triển lãm 40 năm xây dựng và phát triển ngành GD-ĐT. Đến dự có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo ngành qua các thời kỳ.

Học sinh tham quan gian hàng trường ĐH Bình Dương

Phát triển không ngừng

Triển lãm có 37 gian hàng của Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và doanh nghiệp. Triển lãm như bức tranh sinh động phản ảnh quá trình phát triển toàn diện của ngành, từ cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ, số học sinh (HS).

Nhìn vào biểu đồ phát triển cho thấy, sau 1975, toàn tỉnh có 6.264 HS, đến năm học 2014- 2015 có trên 96.000 HS. Để đáp ứng yêu cầu giáo dục, theo thời gian trường lớp cũng phát triển không ngừng. Tính đến đầu năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 516 đơn vị, trường học, 100% trường lớp trong toàn tỉnh đều được kiên cố hóa. Đến năm 2014, tỷ lệ lầu hóa đạt 62,44%. Đội ngũ giáo viên ngày càng được bổ sung và nâng chuẩn, nhiều giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Hiện toàn ngành có gần 19.000 cán bộ - giáo viên. Chất lượng giáo dục cũng được thể hiện qua các biểu đồ.

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, trải qua 40 năm, ngành GD-ĐT vượt qua bao khó khăn thử thách để ổn định và phát triển. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp to lớn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt là những nhà giáo lão thành, những cán bộ, giáo viên đã từng công tác từ những ngày sau giải phóng đến nay, đã kiên trì đeo bám, yêu ngành, yêu nghề, tận tâm, tận lực với HS. Từ những cố gắng của toàn ngành, năm 2010, ngành GD-ĐT tỉnh nhà vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng I.

Tận tâm, yêu nghề

Triển lãm 40 năm thành tựu giáo dục Bình Dương có chủ đề “GD-ĐT Bình Dương năng động - hội nhập và phát triển”, đây là một hoạt động thiết thực, hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (30.4.1975 - 30.4.2015). Triển lãm thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo của người thầy qua những bộ đồ dùng dạy học tự làm được ứng dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy; những sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Thầy Hồ Thanh Dũng, trường THCS Khánh Bình (TX.Tân Uyên), tác giả bộ đồ dùng “Mô hình máy phát điện xoay chiều”, được ứng dụng giảng dạy hiệu quả ở môn vật lý cho HS lớp 9, cho biết đặc thù bộ môn đòi hỏi cần có các mô hình thật sự sống động, có khả năng phản ánh đầy đủ sự vật, hiện tượng một cách tích cực và hiệu quả. Với thầy, kết hợp nhịp nhàng giữa sách giáo khoa, công nghệ thông tin và mô hình theo đúng nguyên tắc sư phạm là để đem lại hiệu quả giáo dục cao.

Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT có chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy môn mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch. Cô Hoàng Thị Bình, giáo viên trường Tiểu học Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An đã nhanh chóng thích ứng với phương pháp mới. Từ những chất liệu phế thải, cô đã làm ra bộ đồ dùng vô cùng sinh động, giúp HS vừa học, vừa chơi, đồng thời phát huy tối đa sự sáng tạo. Bộ đồ dùng “Sự kỳ diệu từ phế thải” của cô áp dụng cho nhiều phân môn trong môn mỹ thuật.

Sáng kiến kinh nghiệm “Một số hoạt động nâng cao kỹ năng nói dành cho HS lớp 6 tiếng Anh tăng cường” của cô Phạm Chi Lan, giáo viên tiếng Anh trường THCS Bình Phú (TX. Bến Cát) đã cho thấy tâm huyết đối với nghề của người thầy. Qua thực tế giảng dạy cô thấy HS rất ngại giao tiếp. Trong khi đó phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi phát huy tối đa khả năng độc lập, sáng tạo của HS. Từ sáng kiến của cô đã giúp cho HS có các kỹ năng giao tiếp ứng xử, thể hiện tự tin trước đám đông, điều chỉnh và quản lý cảm xúc, hợp tác và chia sẻ.

Tại triển lãm còn có các gian hàng của các trường ĐH, CĐ, TCCN. Em Nguyễn Thu Thảo, HS lớp 12 trường THCS Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) nói: Em đang phân vân chưa biết chọn trường nào để gửi gắm tương lai. Qua tham quan triển lãm, biết được ngành nghề đào tạo, nội dung, chương trình đào tạo của các trường ĐH trên địa bàn tỉnh, em sẽ cân nhắc chọn trường, chọn ngành phù hợp với khả năng và sức học”.

Triển lãm thành tựu GD-ĐT 40 năm còn là cơ hội để giáo viên, HS tỉnh nhà giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và nắm bắt những thông tin cần thiết phục vụ việc giảng dạy, học tập và thi cử trong năm học 2014-2015.

- Nguyên Chủ tịch nước NGUYỄN MINH TRIẾT: Trong tương lai, GD tỉnh nhà còn phát triển hơn nữa

Tôi rất vui mừng và tự hào về sự phát triển của giáo dục Sông Bé trước đây và Bình Dương hiện nay. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, mở rộng; việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền được đầu tư nhiều hơn, xã hội hóa được mở rộng. Trong tương lai, giáo dục Bình Dương còn phát triển hơn nữa, không chỉ có các trường trung cấp, cao đẳng có đào tạo nghề, mà các trường đại học cũng đào tạo những ngành nghề; công tác xã hội hóa ngày càng được nâng cao…

- Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Qua triển lãm, hiểu thêm về lịch sử, truyền thống ngành

Thành tựu to lớn nhất của ngành GD-ĐT trong 40 năm qua là luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, cung cấp tri thức cho xã hội, cho mọi người, mọi nhà, góp phần quan trọng vào việc hình thành nguồn nhân lực có kiến thức, có trình độ và tay nghề, thực hiện công cuộc CNH, HĐH của tỉnh.

Triển lãm thành tựu GD-ĐT qua 40 năm giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về ngành GD-ĐT tỉnh nhà, với những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực có trình độ phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Triển lãm còn mang đến cho quần chúng, nhân dân tỉnh nhà nói chung và các thầy cô giáo cùng HS nói riêng một cơ hội quý báu nhằm tìm hiểu thêm về lịch sử, truyền thống ngành qua chặng đường 40 năm phát triển.

- Ông NGUYỄN ĐỨC DANH, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Sông Bé: GD-ĐT thay đổi rõ nét

Sau ngày giải phóng, cơ sở vật chất trường lớp tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, ngoại trừ TX.Thuận An có trường lớp tạm ổn, còn lại hầu như chưa có gì. Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, toàn tỉnh chỉ có 117 giáo viên. Từ năm 1980 trở đi, khi kinh tế phát triển, tỉnh tập trung đầu tư cho giáo dục, trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng ở khắp các huyện, thị, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản hơn. Ở từng giai đoạn, tỉnh có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên, HS. Cũng từ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

H.THÁI (ghi)

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X