“Truyền lửa” cho người đam mê đờn ca tài tử

Cập nhật: 12-09-2018 | 10:56:58

Có một bộ môn nghệ thuật cứ lặng lẽ, âm thầm với dòng chảy của nó để đi vào lòng người hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là đờn ca tài tử (ĐCTT) của người Nam bộ. Và cũng có những con người vì đam mê mà tiếp tục truyền dạy cho những ai yêu thích nó, để ĐCTT được sống mãi với thời gian…

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2018-2020”, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp với trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tổ chức mở lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT khóa I năm 2018. Đây là một trong những hoạt động nhằm giúp các nghệ nhân, học viên yêu thích ĐCTT có điều kiện tiếp cận và cập nhật đầy đủ 20 bài bản tổ trong âm nhạc ĐCTT Nam bộ (3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán) và vọng cổ nhịp 16. Theo các Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) ĐCTT như Cao Thị Thắng, Thu Hồng… thì không phải có lớp học này mở ra mới có người theo học ĐCTT mà từ trước đến nay, các câu lạc bộ ĐCTT trong tỉnh cũng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học viên, nghệ nhân ĐCTT. Nay có lớp học này thì việc học ĐCTT được tổ chức bài bản, cụ thể hơn.


Các học viên tham dự lớp truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử khóa I năm 2018

Lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT khóa I năm 2018 kéo dài trong 2 tháng. Học viên theo học vào các buổi sáng thứ hai, tư, sáu trong tuần tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Thành phần nghệ nhân tham gia giảng dạy, “truyền lửa” cho học viên của lớp có: NNƯT Cao Thị Thắng, NNƯT Thu Hồng (tỉnh Bình Dương), nghệ sĩ Minh Đức (giảng viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh) cùng nhạc công Văn Sáng (chuyên về guita phím lõm) chịu trách nhiệm đệm cho học viên của lớp trong tiết thực hành. Theo đánh giá của NS. Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cũng như Ban tổ chức lớp học này, các giảng viên đã thực hiện tốt nội dung chương trình giảng dạy đầy đủ 20 bài bản tổ trong âm nhạc ĐCTT Nam bộ và vọng cổ nhịp 8, nhịp 16 đã được thông qua. Giảng viên nhiệt tình hướng dẫn với mục đích để học viên nắm bắt được cấu trúc của bài, kiến thức căn bản và thể hiện đúng chất, đúng giọng, hơi… của từng thể loại. Đa số các học viên đều chấp hành nghiêm nội quy của lớp. Sinh hoạt tốt, đoàn kết, góp ý, hỗ trợ nhau trong học tập qua đó tạo được không khí ấm cúng như một gia đình.

Kết quả sau 2 tháng tham gia khóa học, có 32/43 học viên đạt các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Với học viên của lớp học ĐCTT này, có học viên đã 60 tuổi (anh Từ Xuân Sơn, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) nhưng cũng có học viên mới 9 tuổi (cháu Phạm Quỳnh Anh, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một). Ngoài ra, còn có các cộng tác viên đắc lực đang sinh hoạt và biểu diễn tại các câu lạc bộ ĐCTT trong tỉnh. Điều này đã chứng tỏ sức sống của ĐCTT vẫn cháy bỏng, vẫn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương.

Cũng theo NS. Võ Đông Điền, thành công đạt được của lớp học sẽ là động lực tốt để Hội VHNT tiếp tục tổ chức các khóa tới với các nội dung được nâng cao hơn. Ngoài những kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật ĐCTT, học viên sẽ nắm được các kỹ năng sáng tác lời mới cho các thể điệu ĐCTT và phương pháp tổ chức xây dựng câu lạc bộ ĐCTT nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên