Văn hóa giao thông: Nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất

Cập nhật: 05-11-2014 | 08:42:55

Đang chạy xe chở con đi học, chị L.T.T.N. giật mình đạp thắng gấp vì người cầm lái chiếc xe du lịch chạy phía trước vừa bất ngờ rẽ trái vừa đưa tay ra ngoài cửa xe vất một mẩu tàn thuốc. Không cần nhìn trước ngó sau, hoặc băn khoăn vì mình vừa làm người đi sau loạng choạng, người lái xe du lịch thản nhiên bật kính xe lên và tăng ga... chạy tiếp.

 

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến đối tượng là học sinh cũng là một cách xây dựng văn hóa giao thông. Trong ảnh: CSGT tặng mũ bảo hiểm cho học sinh trường THCS Thái Hòa, TX.Tân Uyên Ảnh: NHƯ NGỌC

Đó không chỉ là hành vi bất cẩn hiếm hoi cần lên án vì ta có thể thường xuyên nhìn thấy những hành vi khác tương tự khi lưu thông trên đường - những hành vi đó nôm na gọi là sự thiếu văn hóa trong giao thông. Rất nhiều lần khi đi trên đường, tôi suýt bị ngã vì hành vi bất cẩn của người khác: Nhiều người đang điều khiển xe gắn máy chợt quay ra sau khạc nhổ bừa bãi, làm người đi sau suýt nữa lãnh đủ, hoặc vì né tránh nên suýt bị ngã; hoặc ngay các vòng xoay chắc hẳn ai cũng có một vài lần chứng kiến cảnh người vừa lái xe du lịch vừa móc điện thoại ra nói chuyện mà không hề quan tâm đến dòng người và xe đi phía sau đang sốt ruột vì bị ùn ứ...

Một người hàng xóm của gia đình tôi vừa bị té ngã ngay trong khu dân cư mà mình cư trú do một “quý bà” ngồi trong xe du lịch đậu ngay đường vào nhà anh bất ngờ mở cửa xe mà chẳng nhìn trước, ngó sau. Anh nói: “May mà tôi chạy chậm nên chỉ bị trầy xước sơ, chứ nếu chạy nhanh

 không chừng nguy hiểm đến tính mạng”. Còn nhiều tình huống khác có thể là do bất cẩn, do cố ý hoặc do ý thức cộng đồng kém, kiểu như: Cố tình chạy xe làm té nước vào người đi đường sau những cơn mưa; bóp còi inh ỏi khi xe lưu thông vào những khu vực gần bệnh viện, trường học, nhà trẻ; chạy xe lấn tuyến, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm; không cứu giúp người bị tai nạn trên đường... Dù vì lý do gì đi nữa thì những hành vi này có thể nói là thiếu văn hóa giao thông, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có thể gây nguy hiểm cho mình và cho người khác.

Có thể khẳng định, một trong những việc làm để bảo đảm an toàn giao thông là hãy ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Song thực tế hiện nay, dù văn hóa giao thông là điều rất cần nhưng lại còn quá thiếu trên đường phố. Do đó, để hình thành và duy trì văn hóa giao thông, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, người tham gia giao thông, đặc biệt là lực lượng thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên. Chúng ta hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; dừng, đỗ đúng phần đường quy định; nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; không dàn hàng ngang, dùng ô che khi điều khiển phương tiện giao thông; góp phần xây dựng nhiều tuyến phố, nhiều con đường xanh - sạch - đẹp...

Để hạn chế việc vi phạm khi tham gia giao thông, cần áp dụng nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức về văn hóa giao thông ngay từ bé, từ chính trong mỗi gia đình tới nhà trường. Bên cạnh đó, cần luật hóa các hình thức xử phạt, nâng cao mức phạt tương ứng với mỗi hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Khi văn hóa giao thông đã trở thành ý thức thường trực trong mỗi con người thì sẽ hình thành được phong cách và nhân cách của con người đó. Vì một tương lai giao thông tươi sáng, mỗi người chúng ta hãy nỗ lực để cùng xây dựng văn hóa giao thông.

 

 PHI LONG

 


Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên