Xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên: 15 năm âm vang tiếng hát

Cập nhật: 14-07-2014 | 00:00:00

Liên hoan văn nghệ quần chúng (LHVNQC) ở xã Bạch Đằng là một sân chơi lành mạnh, đáp ứng niềm đam mê ca hát của người dân, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con trong xã. Trải qua 15 năm, LHVNQC ở Bạch Đằng vẫn mãi âm vang…

LHVNQC xã Bạch Đằng là một chương trình ca múa nhạc tổng hợp tổ chức định kỳ hàng năm, nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng của dân tộc; đồng thời ca ngợi công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, ca ngợi đất và người Bình Dương. Xã Bạch Đằng tự hào là đơn vị đi đầu trong tỉnh tổ chức được LHVNQC quy mô, mỗi mùa liên hoan kéo dài đến 7 tuần với 2 vòng thi, trong đó có 6 đêm vòng ấp, được tổ chức ở 6 ấp trong xã và một đêm chung kết để tuyển chọn những tiết mục hay nhất trong những đêm diễn trước.

Sân khấu được đầu tư với âm thanh, ánh sáng, phông nền chuyên nghiệp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Những bài hát được chọn biểu diễn trong liên hoan thường mang nội dung chứa đựng tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng trong các cuộc kháng chiến. Ông Trương Minh Nhựt, người đã gắn bó với LHVNQC với vai trò Trưởng ban giám khảo, nhận xét: “Các tiết mục có đầu tư kỹ lưỡng về dàn dựng, vũ đạo và trang phục. Thí sinh biết chọn bài phù hợp với chất giọng, chú trọng tập luyện trước khi lên sân khấu. Đối với tiết mục múa, người dàn dựng có nhiều kinh nghiệm, thực hiện được những động tác mới mẻ, phong phú hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng các bài hát ca ngợi quê hương Bình Dương, quê hương Bạch Đằng ngày càng nhiều, tạo nên nét riêng biệt cho LHVNQC xã nhà. Có những tiết mục tự biên đầy sáng tạo, thể hiện năng khiếu nghệ thuật của người dân”.

Ước tính, mỗi mùa liên hoan có khoảng 140 tiết mục phục vụ nhân dân, bao gồm nhiều thể loại như ca nhạc, ca cổ, múa, tiểu phẩm, ca cảnh, chập cải lương, nhảy dân vũ, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở vòng ấp, sân khấu được dựng ngoài trời, thế nên có những đêm mưa khiến buổi biểu diễn phải gián đoạn. Dù vậy, niềm yêu thích ca hát của nhân dân vẫn không bị ảnh hưởng, người biểu diễn và bà con vẫn ở lại với nhau, chờ mưa dứt để tiếp tục đêm diễn. Đó cũng là nguồn động lực để ban tổ chức không quản khó khăn, phấn đấu cho đêm diễn trọn vẹn, phục vụ người dân.

Mỗi mùa LHVNQC, các đội văn nghệ không chuyên lại gọi nhau đến nơi cùng tập luyện, đây cũng là dịp để tình làng nghĩa xóm được gắn bó, đoàn kết, mọi người yêu thương nhau hơn.

Từ LHVNQC, phong trào văn nghệ của xã ngày càng lớn mạnh, qua đó phát hiện và tiếp tục bồi dưỡng những tài năng trong lĩnh vực ca múa nhạc, xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào văn nghệ địa phương, phục vụ tốt nhất nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Song song với việc tạo sân chơi cho bà con, LHVNQC cũng chủ động lồng ghép tuyên truyền những vấn đề như xây dựng nông thôn mới, phát động giữ vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa qua các tiểu phẩm, ca cảnh vui tươi, sinh động được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Trưởng ban tổ chức LHVNQC xã Bạch Đằng cho biết: “Đáp ứng sự yêu thích ca hát của nhân dân, xã Bạch Đằng đặc biệt chú trọng đầu tư kinh phí để duy trì cuộc thi dài hơi qua nhiều năm. Dự kiến trong thời gian tới, với nguồn nhân lực từ LHVNQC, xã Bạch Đằng sẽ tổ chức thêm những đêm diễn văn nghệ phục vụ nhân dân trong xã vào dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn trong năm”.

HỒNG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên