Xây dựng kế hoạch truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp: Vì mục tiêu bảo vệ môi trường

Cập nhật: 08-12-2011 | 00:00:00

Kinh tế Bình Dương phát triển năng động với nhiều khu, cụm công nghiệp. Mỗi năm, các khu, cụm công nghiệp này thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước, kéo theo đó là ô nhiễm môi trường đang phải đối mặt. Vì thế, công tác truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp (IPM) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, tạo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). 

Sản xuất - kinh doanh đi đôi với BVMT là khẳng định thương hiệu của DN

Bàn về kế hoạch này, rất nhiều nhóm đưa ra một số nội dung và các thông điệp, giải pháp cấp thiết hướng đến mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong 5 năm tới và tầm nhìn trong tương lai. Ông Trần Nam Bình, chuyên gia truyền thông Dự án Quản lý Nhà nước cấp tỉnh về môi trường (VPEG), cho biết truyền thông về BVMT, đặc biệt quản lý ô nhiễm công nghiệp đang là vấn đề quan tâm không chỉ riêng của ngành môi trường mà là của nhiều cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể. Ông giải thích, bởi công nghiệp là ngành mũi nhọn, có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Vì thế, kế hoạch truyền thông ra đời sẽ là công cụ sắc bén trong vận động, tuyên truyền BVMT, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN), người dân trong việc chấp hành và thực hiện tốt Luật BVMT.

 Thông điệp BVMT mà các nhóm thảo luận đưa ra sẽ góp phần làm thay đổi hành vi của con người đối với môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đô thị; khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Đại diện nhóm chính quyền còn đưa ra thông điệp “BVMT là sự sống còn của DN”, “Sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả là BVMT” hay khẩu hiệu “Từ bỏ thói quen xấu để trở thành người văn minh”...

Bàn về biện pháp truyền thông, nhóm chính quyền đưa ra ý kiến với các DN thực hiện tốt công tác BVMT cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng, được UBND tỉnh công nhận và được sự ủng hộ của cộng đồng. Bằng các biện pháp chế tài, các DN chưa quan tâm đến công tác BVMT sẽ bị gây áp lực từ cộng đồng và từ chính DN, buộc họ phải thay đổi hành vi quản lý môi trường tại cơ sở công nghiệp. Trong số nhiệm vụ mà kế hoạch đề ra, các nhóm đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa cơ quan truyền thông và DN, đây thực sự là kênh đối thoại trực tiếp, tạo sức hút của dư luận và là động lực góp phần làm thay đổi hành vi của DN trong hoạt động BVMT lao động như: quản lý chất thải nguy hại, sản xuất sạch, sử dụng bao bì, bao gói sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường...

TRỊNH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên