‘Việt Nam không thừa ngân hàng…’

Cập nhật: 24-11-2011 | 00:00:00

Trả lời chất vấn về tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn ví von của một đại biểu là như "phun thuốc trừ sâu", và bổ sung thêm hình ảnh "ném chuột không được vỡ bình".

Mở đầu phần chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình cuối giờ chiều nay, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) yêu cầu cho biết số ngân hàng yếu kém cần giám sát chặt chẽ, và phương án tái cơ cấu ngân hàng. Ngoài ra, đại biểu này yêu cầu làm rõ căn cứ xác định trần lãi suất và biện pháp để đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đặt câu hỏi về biện pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với tội phạm cho vay tín dụng đen, loại hình nảy sinh mạnh từ việc siết tín dụng ngân hàng.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) thì đặt vấn đề, Thống đốc cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức cao. Trong khi đó, lãi suất huy động dân cư bị ép xuống 14% một năm thì dân không được lợi, doanh nghiệp không được lợi, mà phần đó về phía ngân hàng. "Ngân hàng Nhà nươc sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?", ông Vinh chất vấn.

Trả lời câu hỏi về tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, cần có cách hiểu đúng về quá trình này. Tái cơ cấu ngân hàng do nước ta đang sang giai đoạn phát triển mới và hệ thống tài chính cần phát triển mạnh hơn, đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho nền kinh tế chứ không phải là ngân hàng yếu kém quá. So với thế giới, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn đứng vững trước khủng hoảng, ông Bình khẳng định.

Về số lượng ngân hàng yếu kém thì ông Bình cho biết, tỷ lệ vào khoảng 5% và rơi vào các ngân hàng cổ phần nhỏ. Ông Bình dẫn lời của một vị đại biểu Quốc hội từng nói về tái cơ cấu ngân hàng giống như phun thuốc trừ sâu: Sâu bọ phải chết, còn cây cối phải sống. Tuy nhiên, Thống đốc Bình bổ sung: "Còn tôi thì thấy tái cấu trúc ngân hàng giống kiểu ném chuột không được vỡ bình".

Tuy nhiên, ông Bình cho biết, chưa thể công bố rộng rãi nội dung của đề án tái cơ cấu nhưng nói, mục tiêu của đề án là xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển cho nền kinh tế.

Ông Bình cho biết, Việt Nam không phải thừa ngân hàng mà thừa những tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động không lành mạnh. Bởi theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 1.000 người dân thì cần có một điểm giao dịch ngân hàng. Chiếu theo tiêu chuẩn này thì với dân số Việt Nam, vẫn có quá ít điểm giao dịch ngân hàng để phục vụ nhu cầu tài chính.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên