Các trường trung cấp chuyên nghiệp: Nâng cao chất lượng để tạo lực hút

Cập nhật: 18-10-2011 | 00:00:00

Trong các kỳ tuyển sinh hàng năm, mặc dù đại học (ĐH) không còn là sự chọn lựa duy nhất của học sinh nhưng hầu như các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) luôn có phần “lép vế” hơn so với các trường ĐH, cao đẳng (CĐ). Để thu hút thí sinh, các trường TCCN trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, đổi mới chương trình... Tuy nhiên, trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí, quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của các trường TCCN vẫn còn đang gặp không ít khó khăn.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2010-2011 đầu tư cho phát triển giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục được quan tâm, một số trường TCCN công lập được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học: Trường Trung cấp (TC) Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch, trường TC Mỹ thuật được đầu tư 2 phòng máy hiện đại (màn hình LCD, máy chiếu projecter) tất cả đều được nối mạng internet phục vụ cho giảng dạy. Trường TC Kinh tế cũng đầu tư hệ thống máy projecter ở tất cả các phòng học, lắp đặt máy điều hòa cho tất cả các phòng, khoa. Theo ông Nguyễn Lê Khôi, Phó Hiệu trưởng trường TC Kinh tế: “Việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nhà trường sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo”.

 

Để tạo lực hút thật sự cho các trường TCCN cần có sự đầu tư tập trung, lâu dài

Các trường ngoài công lập cũng ra sức đầu tư cơ sở vật chất để phát triển trường lớp. Trường ĐH Bình Dương với tổng diện tích 35 ha, đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng lại cơ sở chính ở Bình Dương. Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng cơ sở 2 ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An với vốn đầu tư 230 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường như: TC Bách khoa đã hoàn thiện cơ sở vật chất để tuyển sinh từ năm học 2011-2012 từ 1.000 - 1.500 học sinh hàng năm; trường TC Công nghiệp hoàn thiện 4 phòng máy với 160 máy và 3 phòng thực hành điện, điện tử với đầy đủ linh kiện, vật tư cho học sinh thực hành; trường TC Kinh tế Công nghệ Đông Nam đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy, làm việc là 4,5 tỷ đồng, đồng thời trường cũng đang triển khai xây dựng cơ sở mới tại xã Tương Bình Hiệp, TX.TDM diện tích 4 ha, 8 phòng học hơn 2.000m2.

Chú trọng công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội

Vấn đề nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao luôn là một trong những mục tiêu được tỉnh đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng chóng mặt của ngành công nghiệp như hiện nay, Bình Dương phải có chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các trường tiếp tục xây dựng những chương trình đào tạo đặc thù, gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương.

Nhiều trường cũng tăng cường hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực, phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm như ĐH Kinh tế - Kỹ thuật, TC Kinh tế Công nghệ Đông Nam; đào tạo theo đơn đặt hàng như: trường TC Kinh tế Công nghệ Đông Nam nhận đào tạo 500 chỉ tiêu các ngành điện, điện tử, quản trị cho Công ty KumHoo, 300 chỉ tiêu tiếng Nhật cho Công ty TNHH KingJim. Ngoài ra, để đáp ứng đào tạo theo nhu cầu các trường thực hiện đa dạng hóa các ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hợp tác liên kết với các trường ĐH đào tạo liên thông TCCN lên CĐ, ĐH.

Một số trường khai thác lợi thế ngành nghề đào tạo kết hợp công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ sản xuất góp phần tạo thương hiệu trường như: Trường TC Nông Lâm với dự án hệ thống thủy canh trồng cà chua sạch, rau sạch và dự án “Phát triển nghề trồng nấm ở huyện Phú Giáo”. Ông Hoàng Nghĩa Quyền, Hiệu trưởng trường TC Nông Lâm cho biết: “Năm 2011-2012, số thí sinh đăng ký vào trường là 490, hiện tại đã có hơn 300 em nhập học, đạt 75% chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường trong năm học này. Về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội nhà trường đã thực hiện khá tốt trong những năm vừa qua. Hiện trường đang phối hợp đào tạo cho công nhân Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, Công ty Cao su Bình Long (Bình Phước) và đào tạo cho nông dân tại huyện Tân Uyên. Trong thời gian tới, trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý trong nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo nhận định: “Trong năm học vừa qua, công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục chuyên nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, nhân lực trình độ TCCN ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Đây là hiệu quả của việc chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực và sự quản lý chặt chẽ của các trường. Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trong xu thế cạnh tranh hứa hẹn sẽ đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thí sinh chỉ chọn trường TCCN như nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, sau khi không còn hy vọng vào được ĐH, CĐ nên công tác tuyển sinh TCCN còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường tuyển sinh nhiều đợt nhưng học sinh nhập học vẫn không đạt chỉ tiêu. Vì vậy, để tạo lực hút thật sự cho các trường TCCN cần có sự đầu tư tập trung, lâu dài để tạo nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo”.

NGỌC THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=340
Quay lên trên
X