Câu lạc bộ Sản xuất rau an toàn Tân Định, Bến Cát: Hiệu quả cao nhờ sản xuất theo hướng hiện đại

Cập nhật: 28-11-2012 | 00:00:00

Những cánh đồng rau xanh tươi dọc hai bên bờ suối Cầu Định, xã Tân Định, huyện Bến Cát được người dân nơi đây hình thành từ lâu. Tuy nhiên, cách thức sản xuất rau truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên không đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân chuyên trồng rau. Để giúp nông dân có thể tăng cao thu nhập từ nghề trồng rau, năm 2007, CLB Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được thành lập. Từ đây, các hộ trồng rau đã có dịp được tiếp cận với cách sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.   Hội viên CLB chăm sóc, tưới cho sản phẩm rau sạch

Lúc mới thành lập CLB chỉ có 26 hộ, nhưng đến nay đã tăng lên 47 hộ với tổng diện tích khoảng 15 ha. Ông Nguyễn Văn Đậu, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Cách thức sản xuất cũ không hiệu quả đòi hỏi chúng tôi phải chuyển sang sản xuất theo cách thức hiện đại và đến nay có thể khẳng định sự chuyển hướng này là đúng đắn. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây rất thích hợp cho việc trồng rau. Tham gia vào CLB bà con được tập huấn, hội thảo và tham quan thực tế các mô hình sản xuất rau các nơi nên trình độ sản xuất được nâng cao rõ rệt. Hiện nay, các thành viên trong CLB đã thực hiện thành thục các phương pháp sản xuất mới, an toàn như sử dụng phân ủ hoai, các chế phẩm sinh học, màng phủ nông nghiệp, lưới dàn, bẫy côn trùng, ghi chép nhật ký đồng ruộng… Cách làm này đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, từ đó nâng cao thu nhập”.

Các thành viên trong CLB chủ yếu trồng các loại rau ăn quả như dưa leo, khổ qua, đậu rồng, mướp, đậu bắp, kiệu… Nhờ sản xuất theo hướng an toàn mà giữa năm 2011, sản phẩm rau của nông dân tại đây làm ra đã vào được Siêu thị Co.opMart. Có đầu ra ổn định, bà con nâng cao năng lực sản xuất nên thu nhập cũng tăng thêm từ 1 - 3 triệu đồng/1.000m2. Các hộ có thu nhập tiêu biểu của CLB là Đỗ Văn Hồng, Lê Thành Nghiệp đạt mức thu từ 20 - 25 triệu đồng/1.000m2 đất/năm. Với mức thu nhập này, các thành viên trong CLB cho rằng thu nhập từ trồng rau còn cao hơn cả trồng cao su.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá khả quan nhưng khó khăn của CLB vẫn còn nhiều. Khó khăn thứ nhất là sản phẩm làm ra tuy đã vào được siêu thị nhưng số lượng nhập hàng của siêu thị vẫn chưa nhiều so với khả năng cung ứng của CLB. Chính vì vậy, các hộ tại đây vẫn phải bán cho thương lái với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, vì vậy mong muốn của các thành viên CLB là có thêm nhiều đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn thứ hai là chuyện ngập úng. Vào những ngày mưa to, suối Cầu Định thường gây ngập các ruộng rau sát bờ suối, gây thiệt hại cho các hộ trồng rau tại đây. Cùng với đó là giá cả vật tư đầu vào còn tăng giảm thất thường khiến bà con khó tính toán chi phí trong quá trình đầu tư. Theo ông Nguyễn Văn Đậu, nếu giá vật tư nông nghiệp ổn định thì bà con sẽ thuận lợi hơn trong việc tính toán chi phí đầu tư để không bị lỗ vốn. Còn vấn đề ngập úng, chính quyền địa phương nên có biện pháp khắc phục triệt để thì bà con nông dân mới an tâm sản xuất.

Khó khăn là vậy nhưng theo các thành viên trong CLB thì cách làm mới vẫn hiệu quả hơn nhiều so với cách làm cũ. Thực tế cũng đã chứng minh họ đã làm được, chỉ cần khắc phục những khó khăn nêu trên thì những hộ trồng rau nơi đây sẽ vươn lên làm giàu bền vững hơn nhờ vào những mùa vụ bội thu và đầu ra ổn định.

 ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên