Chống đầu cơ, tăng giá trong dịp tết

Cập nhật: 13-01-2012 | 00:00:00

Sau thời gian bình ổn giá, những ngày gần đây, hầu hết các nhóm hàng hóa đều có chỉ số giá tăng. Năm nay, do tác động của việc tăng giá các mặt hàng chủ lực như điện, xăng dầu và nhiều yếu tố khác như các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết; người lao động được nhận tiền thưởng cuối năm, tiền thưởng tết... dẫn tới cung cầu tăng, tạo ra áp lực tăng giá ở một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu...

Với tâm lý “làm ăn quanh năm, tốn kém hơn một chút để vui tết là chuyện bình thường” nên tết về, nhiều người khi mua sắm ít so đo hơn. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, buôn bán “không lành mạnh” lợi dụng đầu cơ nâng giá trục lợi, tạo ra những cơn sốt “ảo” đánh vào tâm lý của người tiêu dùng hoặc kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì thế, các cấp, các ngành cần theo dõi, nâng cao cảnh giác với những diễn biến phức tạp của thị trường và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn giá một cách thường xuyên, có hiệu quả.

Phải khẳng định rằng thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ở các địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng dự báo trong năm 2012, nền kinh tế vẫn còn diễn biến phức tạp, cho nên, việc bình ổn thị trường giá cả cần phải thực hiện quyết liệt hơn, tránh tình trạng tăng đột biến về giá hàng hóa, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn này.

Để thực hiện có hiệu quả, các cấp, các ngành xem đây là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Không chỉ tất cả cùng vào cuộc mà còn phải có sự triển khai đồng bộ, tích cực, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, tăng giá quá mức, buôn lậu và gian lận thương mại. Tăng cường các giải pháp thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sản xuất, kinh doanh và trong xây dựng cơ bản. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng chất lượng kém, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Kinh nghiệm về công tác quản lý thị trường cho thấy địa phương nào thực hiện tốt công tác truyền thông, tổ chức được nhiều đợt kiểm tra liên ngành, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và thường xuyên giám sát việc thực hiện kế hoạch kiểm tra niêm yết giá tại các cửa hàng, các cửa tiệm, các chợ và các cơ sở kinh doanh... thì việc bình ổn thị trường đạt nhiều hiệu quả, tình trạng đầu cơ, nâng giá hàng hóa bất thường không xảy ra và quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm.

Mai Huy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=236
Quay lên trên