“Cô tiên” giữa đời thường

Cập nhật: 21-01-2014 | 00:00:00

 Có thể nói lớp dệt là lớp dạy nghề đặc biệt nhất của Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật Bình Dương. Vào lớp học, ở chỗ này có em tỉ mỉ, cẩn thận xỏ từng mũi chỉ, đường kim; chỗ kia thì hàng chục học viên luôn miệng: “Cô ơi! Con làm sai cái này rồi”, “Cô ơi! Cái này tự dưng nó ra như vầy nè”…    Cô Nguyễn Thị Lài hướng dẫn các em khuyết tật học dệt vải

Giới thiệu về lớp học, cô Nguyễn Thị Lài cho biết đây là lớp học dành cho những học viên bị thiểu năng trí tuệ. Mục đích chính của lớp học là giúp các em linh hoạt tay chân, đầu óc, hòa nhập với mọi người chứ không phải là học được cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Có những lúc mình muốn các em nghỉ thì các em lại làm và ngược lại, cô giáo không can thiệp được.

Đã 3 năm trôi qua nhưng cô Lài không quên cảm giác những ngày cô mới về làm việc tại trung tâm, phụ trách lớp dệt. “Lúc đó mình bị áp lực rất lớn. Lớp dệt dao động khoảng 26- 27 em, dành riêng cho các em bị thiểu năng trí tuệ nên việc tiếp thu của các em rất chậm. Những câu hỏi: “Làm sao để tạo sự chú ý cho các em”, “Làm sao để dạy các em biết cách làm”… luôn đầy ắp trong đầu tôi”, cô Lài chia sẻ.

Khó khăn là thế nhưng khi tiếp cận các em, hiểu các em thì cô không nỡ từ bỏ. Rồi khi nhìn những nụ cười ngây thơ, những sản phẩm không cái nào giống cái nào của các em cô lại thấy vui và yêu các em hơn. Giờ thì những học viên của lớp rất quý mến cô, biết nghe lời cô. Những sản phẩm của các em ít nhiều đã có mặt trên thị trường và qua tận đất nước Nhật Bản xa xôi.

Công việc của cô không phải chỉ kiên trì, bình tĩnh để dạy từng học viên từ những việc nhỏ nhất, mà còn phải biết lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ với họ. Với những người khuyết tật này, giáo viên vừa là người dạy nghề, vừa là người mẹ hiền. Nếu không có tấm lòng của một người mẹ, chắc chắn khó có giáo viên nào trụ lại được với những lớp học như thế.

Với những cống hiến, sự thương yêu đùm bọc đó, năm 2013 cô Nguyễn Thị Lài được Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương “Người tốt - Việc tốt”. Hàng ngày cô nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình là giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Một công việc đòi hỏi cả tình thương và trách nhiệm.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên