Cụ thể hóa quy định quảng cáo là cần thiết

Cập nhật: 16-11-2011 | 00:00:00

Hoàn thiện pháp luật về quảng cáo (QC), đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, chống hành vi QC gian dối, phải được coi là một trong những công việc cấp bách của người làm luật. Chính vì vậy mà tại buổi thảo luận về dự án Luật QC, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cụ thể hóa hơn nữa các quy định của luật này. Điều đó là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp QC phát triển, góp phần loại bỏ QC gian dối, QC sai sự thật, QC vi phạm thuần phong mỹ tục, QC “rác” làm xấu bộ mặt đô thị...

Bức xúc trước tình trạng QC sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là QC trên truyền hình thời gian qua, nhiều người đồng tình với quy định phải bồi thường thiệt hại cho người tiếp nhận QC. Điều này thể hiện quan điểm đúng đắn của luật là phải bảo vệ người tiêu dùng trước khả năng thông tin QC bị sai lệch. QC sai sự thật, lẫn lộn với QC đúng sự thật khiến cái nhìn của người tiêu dùng đối với QC trở nên đầy nghi ngại, định kiến. Điều đó khiến sức thuyết phục của hoạt động QC đối với khách hàng bị giảm sút và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đối với sự phát triển bình thường của ngành công nghiệp QC.

Đơn cử là tại TP.HCM hiện có 7 phòng khám Trung Quốc được cấp phép hoạt động dưới hình thức phòng chẩn trị y học cổ truyền. Kết quả hậu kiểm trong năm 2011 cho thấy cả 7 phòng khám này đều có vi phạm về QC là QC khi chưa có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký QC hoặc QC không đúng nội dung đã được phê duyệt, QC sai sự thật! Hệ lụy là đã có rất nhiều bệnh nhân chỉ vì tin theo nội dung QC trên truyền hình đã mất tiền oan cho những phòng khám này, nhưng trong thực tế, việc xác định thiệt hại do QC gây ra đối với người tiếp nhận QC là rất khó khăn!

Trong điều kiện cơ chế kiểm soát, xử lý còn lỏng lẻo và không hiệu quả, nhà sản xuất - cung ứng dịch vụ có hành vi QC gian dối thường không bận tâm đến việc chuẩn bị trước một khoản ngân sách để chuộc lại lỗi của mình, mà chỉ tập trung “rèn luyện” kỹ năng đối phó theo tình huống. Mỗi khi bị kêu ca, phàn nàn về sự sai biệt giữa điều QC và thực tế đang diễn ra mà người tiêu dùng phải hứng chịu, phản ứng quen thuộc thường thấy của nhà sản xuất - cung ứng dịch vụ là chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho người tiêu dùng hoặc cho nguyên nhân khách quan. Và, người tiêu dùng một khi đã lỡ sử dụng sản phẩm, dịch vụ được QC sai sự thật luôn ở vị trí bất lợi do không có thì giờ, cũng không đủ khả năng tài chính để theo đuổi cuộc tranh cãi đến cùng. Vì vậy, Luật QC cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến QC; trình tự thủ tục, thẩm định mức độ thiệt hại do QC gây ra. Tương tự như vậy, trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ QC và người phát hành QC cũng cần được quy định rõ.

Bên cạnh QC gian dối, QC sai sự thật, một thực tế đáng báo động trong thời gian qua là QC “rác” làm xấu bộ mặt đô thị. Theo con số thống kê, năm 2010 quy mô thị trường QC ở Việt Nam đã lên đến 14.000 tỷ đồng. Thị trường QC tuy lớn mạnh, nhưng QC “rác” vẫn xuất hiện nhan nhản, làm mất mỹ quan đường phố. Có thể nói ở bất kỳ nơi đâu, từ đô thị đến thôn quê, người ta cũng dễ dàng bắt gặp QC “rác” với nội dung khoan cắt bê tông, hút hầm cầm, tuyển nhân viên, cung ứng các dịch vụ và gần đây là bán đất! Do vậy, Luật QC cần cụ thể hóa các quy định nhằm chế tài, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành QC “rác”.

Lê Quang

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=409
Quay lên trên