Để lời ru bớt buồn...

Cập nhật: 23-08-2012 | 00:00:00

“Bướm vàng đậu nhánh mù u

Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn!”

Lời ru như những lời nhắc nhở sâu sắc của các thế hệ đi trước đối với chúng ta rằng: việc thành gia, lập thất sớm thì gánh nặng lúc nào cũng đè lên vai người phụ nữ, dù lúc ấy xã hội đang ở vào hoàn cảnh nào, giai đoạn nào...

Thật vậy, nếu đã có dịp đến thăm những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc nước ta, có lẽ không ai không ít lần ái ngại khi nhìn thấy cảnh những cô bé dân tộc người Dao, Mèo, Thái, Mông... 14, 15 tuổi tay dắt, lưng cõng những em bé từ vài tháng đến vài tuổi vượt những con dốc cao để về bản, làng hay đến chợ phiên. Những đứa bé ấy không phải là em, cháu mà chính là con của họ... Từ lâu tục tảo hôn ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang là vấn nạn thách thức các nhà làm luật và chính quyền địa phương, bởi chưa có cách nào để giáo dục, hạn chế một cách hiệu quả. Và không chỉ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh mà ở các vùng đô thị văn minh, phát triển cũng đã có không ít trường hợp các cô bé, cậu bé tuổi vị thành niên vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan đã phải bất đắc dĩ trở thành những ông bố, bà mẹ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Từ đó trách nhiệm chăm con, chăm cháu lại đặt lên vai ông bà, cha mẹ, người thân của họ...

Cũng chung quanh vấn đề độ tuổi kết hôn mới đây, Bộ Tư pháp đã cho lấy ý kiến rộng rãi về đề xuất hạ tuổi kết hôn của nữ xuống 16 tuổi dựa trên cơ sở xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của mỗi người, mỗi gia đình ngày càng sung túc, đầy đủ hơn nên trẻ em ngày càng dậy thì và phát triển sớm, trong đó một bộ phận giới trẻ có xu hướng quan hệ yêu đương và bước vào cuộc sống gia đình sớm hơn. Trên cơ sở thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định; trong đó có quy định về độ tuổi kết hôn để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách và hội nhập quốc tế... Trong khi theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì hiện độ tuổi kết hôn ở nước ta đối với nam là 20 và nữ là 18 tuổi.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người thì không nên tranh cãi về độ tuổi kết hôn ở khía cạnh tròn hay đủ, mà phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn, phong tục tập quán. Hơn nữa, xét về góc độ tâm sinh lý, thì tuổi trưởng thành ở nữ giới thường sớm hơn nam giới nên việc hạ tuổi kết hôn ở nữ giới là cần thiết. Song, cũng không ít người và các chuyên gia cho rằng: quy định độ tuổi kết hôn như hiện nay là phù hợp vì không nên dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của người kết hôn để cho phép kết hôn mà pháp luật cần phải có quy định chung, đó là nữ phải đủ 18 tuổi và nam phải đủ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn. Bên cạnh đó, khung pháp luật nước ta đã có quy định công dân phải đủ 18 tuổi mới có năng lực hành vi đầy đủ thì việc hạ độ tuổi kết hôn là khó có tính khả thi.

Thiết nghĩ việc hạ độ tuổi kết hôn cần phải được nghiên cứu một cách cặn kẽ để đi đến quyết định hợp tình, hợp lý mà không làm ảnh hưởng đến việc biến động dân số của từng địa phương và ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình khi những người cha, người mẹ của những đứa trẻ sinh ra chưa có công ăn việc làm ổn định, tâm sinh lý chưa phát triển đủ tầm để sinh con và chăm sóc con mình. Bên cạnh đó, việc nhiều cặp vợ chồng quá trẻ chưa bảo đảm cho cuộc sống của chính mình cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đừng để xã hội tiếp tục có thêm nhiều người phụ nữ trẻ ru những đứa bé con mình mới sinh ra bằng những lời ru tiếc nuối: “...Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn...”.

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=338
Quay lên trên