Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Cập nhật: 21-08-2012 | 00:00:00

Thông tin về hàng chục con khỉ lông xám đuôi dài sinh sống tự nhiên mấy chục năm qua ở khu vực chùa núi Châu Thới, phường Bình An, TX.Dĩ An đã “bỗng dưng mất tích” khiến cho đông đảo khách hành hương, người dân địa phương tiếc nhớ đến nao lòng! Thiếu vắng tiếng đàn khỉ gọi bầy, tinh nghịch đuổi chuyền lao xao quen thuộc, hẳn là sẽ mất đi  phần văn hóa cho cảnh quan đặc trưng của khu chùa núi đã có tự lâu đời. Đàn khỉ ở đây rất đỗi tinh khôn, chúng xem chùa là nhà, du khách là bạn thiết nên thân thiện dễ gần; thế nên chúng bạo dạn chìa tay xin trái, xin cơm, xin nước uống... khi bụng đói. Cảnh tượng này trước đây thường thấy, khiến cho khách thập phương  thích thú, yêu thương bầy khỉ núi này giờ đã không còn nữa!

Cách đây hơn tháng, bà con tận mắt chứng kiến một nhóm người đi ô tô, trang bị đủ loại công cụ hỗ trợ kéo về, quyết tâm vây bắt con khỉ đầu đàn đang ở lưng chừng núi. Khi lâm nạn, khỉ chúa lớn tiếng kêu gào cầu cứu; số con  khỉ trưởng thành kéo đến tính chuyện giải vây song chúng đã mắc bẫy, bị bắt đi khá bộn! Sau đó, kẻ xấu còn đưa đến lồng sắt để “nhử” bầy khỉ tập trung về đông cho dễ bắt! Quả thật đám người độc ác này dám ngang nhiên, táo tợn săn bắt khỉ ở chùa như vào chỗ không người, cả gan xem thường pháp luật! Mất khỉ chúa và số khỉ trưởng thành; giờ đây bầy khỉ nhỏ còn sót lại  không còn được đồng loại bảo vệ nên chúng dễ hoảng loạn, thất thần chẳng dám thân thiện với người như trước nữa. Xót xa thay!

Khỉ núi Châu Thới nghe chừng có giá, khỉ con cũng vài triệu bạc; khỉ trưởng thành không dưới chục triệu đồng. Khỉ nhỏ có cơ may sống sót hơn vì được mua về nuôi làm thú cảnh, điểm xuyết cho hoa viên của kẻ lắm tiền trưởng giả, khỉ lớn dễ thường bất hạnh khi gặp kẻ “hợm mình” rất cần tẩm bổ, mua khỉ về chỉ để giết thịt, nấu cao! Chính vì vậy, nếu lên án bọn săn bắt động vật hoang dã nói chung, săn bắt khỉ nói riêng thì chưa đủ; mà còn có cả kẻ kinh doanh, chế biến và người sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã này. Đặc biệt đối với khỉ là động vật rất gần gũi với người, có trí não khá phát triển, có tình cảm yêu thương nên không để cho kẻ xấu nhẫn tâm giết hại. Săn bắt khỉ là trái phép, là vi phạm pháp luật. Theo Luật Bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam, hành vi săn bắt, giết hại động vật rừng quý hiếm có thể bị xử phạt từ 50 đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp có tổ chức, săn bắt trong khu vực bị cấm, gây hậu quả rất nghiêm trọng... sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đàn khỉ núi ở chùa Châu Thới còn sót lại không nhiều đang rất cần biện pháp bảo vệ tích cực hơn. Cho dù chúng đang được nhà chùa và người dân trong vùng gắng công đùm bọc nhưng xem ra khó bề canh giữ; bởi hiện nay vẫn còn nhiều kẻ xấu đang tiếp tục rình rập, chờ săn bắt chúng ngày đêm. Thiết nghĩ, ngành chuyên môn cần quan tâm thống kê từng cá thể, có kế hoạch kiểm tra tật bệnh, thiết lập đường dây nóng với lực lượng chức năng, kịp thời thông báo, xử lý tích cực bảo vệ  đàn khỉ hữu hiệu hơn. “Bảo vệ động vật hoang dã” không chỉ là khẩu hiệu suông mà rất cần sự góp sức chung tay của cả cộng đồng.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên