Để người Việt đồng hành cùng hàng Việt

Cập nhật: 17-12-2011 | 00:00:00

Từ tháng 8-2009 đến nay, chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Bằng các hình thức cụ thể hóa thành cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, các cấp, các ngành cũng đã mở ra nhiều hoạt động tuyên truyền để khuyến khích người dân dùng hàng nội, góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng đến nay, nhiều câu hỏi vẫn đặt ra “Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?”...

Khảo sát thời gian gần đây cho thấy, 80% ý kiến người tiêu dùng nước ngoài tại Việt Nam đều thích dùng hàng Việt, 20% còn lại vẫn chưa mặn mà khi vẫn còn chút không hài lòng về chế độ bảo hành và hậu bảo hành. Như vậy, hàng Việt không phải không có chỗ đứng trên thị trường, mà nguyên nhân là chưa tìm được cách khai thác hợp lý nhất. Nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng về hàng Việt, bởi nó không thực sự đem lại nhu cầu phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Chính điều đó, hàng Việt tự đánh mất lợi thế cạnh tranh trong mắt người tiêu dùng...

Lâu nay, không phải người Việt không thích xài hàng Việt, mà do thông tin chưa đến với họ hoặc họ thiếu niềm tin với hàng hóa sản xuất trong nước. Trên thị trường có rất nhiều mặt hàng giành được niềm tin đối với người tiêu dùng như bóng đèn Điện Quang, sữa Vinamilk, bánh kẹo Kinh Đô... và mỗi năm, những nhãn hiệu này được nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Thế nhưng, con số này so với thực tế vẫn đếm trên đầu ngón tay trong hàng triệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng nội có mặt trên thị trường. Chính vì vậy, người tiêu dùng đã nản chí và quay lưng.

Hơn thế nữa, trong lúc thị trường cạnh tranh nghiệt ngã, hàng giả, hàng nhái lại xâm nhập trên thị trường. Chúng phá giá bằng mọi cách làm cho sản phẩm nội địa có chất lượng không tìm ra cách để khẳng định vị thế của mình. Có doanh nghiệp bị cuốn vào cơn lốc cạnh tranh không lành mạnh, tự đánh mất lợi thế của mình, không quan tâm đến chất lượng... Do đó, để khuyến khích mọi người dùng hàng nội địa, trách nhiệm đó không chỉ ở người tiêu dùng mà còn ở nhà sản xuất. Vì nếu sản xuất hàng kém chất lượng, giá cao mà kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng nội thì rõ ràng chưa thật công bằng.

Giờ đây, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là một khẩu hiệu, một chiến lược phát triển kinh tế, niềm kiêu hãnh mang tính quốc gia mà còn là một bài toán kinh tế vĩ mô. Làm gì, làm như thế nào, kết quả ra sao, tất cả đáp số phụ thuộc vào phương pháp giải của cả cộng đồng, Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết. Sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả thì lúc đó người tiêu dùng sẽ luôn đồng hành cùng hàng Việt. Và doanh nghiệp cũng nên xem đây là cơ hội để tự đánh giá lại khả năng, định vị lại uy tín thương hiệu của mình với người tiêu dùng nước nhà.

MAI HUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=233
Quay lên trên