Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Cập nhật: 20-04-2012 | 00:00:00

Bài 1. Doanh nghiệp thiếu vốn vì áp lực lãi suất!

Bài 2: Thuế, phí và một số thủ tục, dịch vụ còn bất cập

Bài 3: “Sóng gió” từ thị trường

Bên cạnh các nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khó khăn như thiếu vốn, lãi suất (LS) ngân hàng (NH) cao, nhiều thứ phí phải nộp, dịch vụ bất cập... thì nguyên nhân sâu xa đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản vẫn là giá cả và thị trường. Trong khi giá hầu hết các loại vật tư đầu vào đều tăng, thì sức mua của thị trường lại giảm, sản phẩm làm ra không bán được, thu không đủ bù chi...  Để giúp DN vượt qua khó khăn, bên cạnh thực hiện bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, Sở Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh các chương trình khuyến công và các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư

Giá đầu vào tăng, đầu ra giảm!

Từ đầu năm đến nay, các ngành sản xuất có nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu như gỗ, da giày, sắt thép... không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá cả của thị trường thế giới. Giá xăng, dầu và nguyên liệu đầu vào chủ chốt phục vụ sản xuất của DN tăng ngay sau Tết Nguyên đán đã tác động tới tâm lý của thị trường, khiến giá các loại hàng hóa thiết yếu tăng theo. Để giữ chân công nhân trước tình hình giá cả biến động, DN buộc phải tăng lương cho công nhân (CN). Nói về vấn đề này, ông Lý Ngọc Minh cho biết: “Giá cả tăng, mọi thứ phục vụ sinh hoạt, đời sống đắt đỏ, nên DN phải tăng lương cho CN. Những năm trước, công ty chúng tôi dành khoảng 5 tỷ đồng để trả lương CN, thì năm nay phải tăng lên 8 tỷ đồng”.

Đại diện một DN cho rằng, trong cơ cấu giá thành, lương CN chiếm tới 65%, chính sách mới về điều chỉnh tiền lương bắt đầu tháng 10 tới cũng đang tạo ra nhiều áp lực cho DN, nhất là những DN lớn, có nhiều lao động. Bên cạnh nỗi lo về tiền lương, nỗi lo phải đối mặt với những khó khăn nội tại, các yếu tố mới phát sinh của thị trường, những DN có nhiều lao động còn lo về sự ổn định của đơn hàng trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn nên đơn hàng giảm nhiều so với những năm trước. Đã vậy, nhiều đối tác nước ngoài liên tục đòi giảm giá sản phẩm. Để duy trì hoạt động, nhiều DN, nhất là DN nhỏ, vốn ít buộc lòng phải bán sản phẩm với giá thấp. Ông Nguyễn Văn Quý, cho biết: “Cùng một chủng loại hàng hóa, nhưng do thiếu tiền trả lương công nhân, một số DN đã bán hàng với giá rẻ bất ngờ, từ đó phát sinh nhiều biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh...”.

Đẩy mạnh các chính sách ổn định giá cả

Trước những “sóng gió” từ thị trường, nhiều DN cho biết phải “liệu cơm gắp mắm”, thu hẹp sản xuất, nghiên cứu lại phân khúc thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp... Về phía chính quyền, để giúp DN giải quyết những khó khăn về thị trường, từ giữa năm 2011, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 1350/KH-UBND về chương trình bình ổn giá cả, phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã phối hợp cùng các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị và các DN tham gia bình ổn triển khai thực hiện kế hoạch bình ổn được phê duyệt với tổng trị giá hàng hóa lên đến 456 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Riêng mặt hàng xăng dầu, sở cũng đã giao nhiệm vụ cho hai công ty là Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ và Công ty TNHH Xăng dầu Sông Bé bảo đảm cung ứng xăng dầu cho tất cả các đại lý, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng”.

Hiện tại, Sở Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu tỉnh Bình Dương năm 2012 (từ 31-3-2012 đến 31-3-2013). Tuy nhiên, theo kế hoạch trên thì chỉ mới có ít DN và người tiêu dùng được thụ hưởng, còn đa số DN vẫn “tự bơi”. Do vậy, bên cạnh việc thực hiện bình ổn giá, Sở Công Thương còn tập trung thực hiện các chương trình khuyến công để hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư... nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện tốt chương trình xúc tiến thương mại năm 2012 để hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong việc thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Theo đại diện các DN, tăng năng suất, cắt giảm tối đa chi phí và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh là cách để họ vượt qua khó khăn hiện nay. Đa số các DN cho rằng, về lâu dài Nhà nước cần củng cố các gói “kích cầu” để hỗ trợ DN duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính quyền và ngành chức năng vào cuộc

Từ những kiến nghị của DN vào cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chủ trì cuộc họp để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Hiện các DN đang rất khó khăn, các ngành cần vận dụng hết khả năng để hỗ trợ DN; vấn đề nào ngành không giải quyết được thì kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh giải quyết, còn vấn đề nào vượt khả năng thì ngành và tỉnh cùng kiến nghị lên cấp cao hơn”. Tại cuộc họp này, lãnh đạo các ngành chức năng đã giải trình cụ thể từng vấn đề DN kiến nghị.

Trả lời các kiến nghị của DN trong lĩnh vực thuế, Cục trưởng Cục Thuế Lê Văn Trang, cho biết theo Luật Thuế GTGT sửa đổi năm 2008, có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2009, hàng hóa dịch vụ mua vào phục vụ cho đầu tư, sản xuất kinh doanh mới được hoàn thuế, các khoản chi tài trợ, chi cho giáo dục, y tế phải liên quan đến sản xuất, kinh doanh của DN mới được hoàn thuế GTGT. Còn túi nylon trong nước sản xuất để làm bao bì đóng gói sản phẩm xuất khẩu bị đánh thuế bảo vệ môi trường đến 40.000 đồng/kg, trong khi thuế nhập khẩu chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, ông Trang cho biết đây là quyết định của UBTV Quốc hội, nên không thể thay đổi. Về kiến nghị thuế thuê đất, giao đất cao, ông Trang cho biết có 2 yếu tố tăng giá thuế đất, một là điều chỉnh tỷ lệ thuế (từ 0,5% lên 1,5%/giá đất), hai là điều chỉnh giá đất. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng đã có chính sách giảm thuế, tính theo phương pháp tiền nộp thuế cũ nhân lên 2 lần. “Theo tôi, DN Liên Phát bị tính thuế cao gấp 20 lần chắc là do để quá lâu, mà không tính theo định kỳ 5 năm/lần”, ông Trang nói.

Riêng kiến nghị của các DN xuất nhập khẩu là nên tiếp tục ân hạn thuế nhập khẩu, ông Trang cho biết trước đây còn kéo dài thời gian ân hạn, nhưng gần đây do có một số DN lợi dụng việc ân hạn thuế nên quy định mới có chặt hơn. DN muốn được ân hạn phải có bảo lãnh của ngân hàng. Tất nhiên, quy định này cũng gây ít nhiều khó khăn cho DN vì phải chịu thêm chi phí bảo lãnh, nhưng thực tế ở tất cả các nước, DN phải nộp thuế nhập khẩu ngay từ khi mở tờ khai hải quan. Nếu DN làm ăn nghiêm túc thì họ sẵn sàng nộp ngay, không cần phải ân hạn gì cả, chỉ DN tạm nhập tái xuất mới ân hạn thuế.

Những kiến nghị của DN về thủ tục hải quan cũng đã được ông Hàn Anh Vũ - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, giải đáp. Theo đó, kiến nghị kê khai thủ tục hải quan điện tử còn rườm rà, gây khó khăn cho DN của Câu lạc bộ Xuất khẩu, ông Vũ cho biết thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu trên địa bàn Bình Dương, các DN khai hải quan điện tử theo luồng xanh chiếm 94%, tỷ lệ còn lại là theo luồng vàng và đỏ. Tuy nhiên, một số trường hợp tờ khai thuộc luồng vàng và luồng đỏ DN phải thực hiện đóng dấu và ghi rõ họ tên là quy định của Hải quan Việt Nam ban hành theo quyết định của Bộ Tài chính, nên không thể thay đổi.

Vấn đề gây bức xúc với đa số DN đang rơi vào tình trạng khó khăn thời gian qua là LS NH cao và khó tiếp cận vốn NH, Giám đốc Chi nhánh NHNN Bình Dương Bùi Văn Nu, cho biết qua thống kê LS cho vay, hiện hệ thống NH toàn tỉnh có tổng dư nợ hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó, LS dưới 17%/năm chiếm 38%, từ 17 đến 19,5% chiếm 37,2%, hơn 19% chiếm 20,6%. Hiện các NH vẫn còn vốn, nhưng qua thẩm định tình hình tài chính, khả năng thanh khoản của nhiều DN rất kém, nên việc giải ngân vốn cho DN gặp khó khăn. Đây cũng là tình hình chung vì hệ thống NH muốn bảo đảm an toàn vốn vì sự ổn định của xã hội.

Đối với hiện tượng “nhảy việc” của lao động (LĐ), ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH Bình Dương, cho hay trong quý 1 vừa qua có gần 100.000 LĐ nghỉ việc, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước; 400.000 LĐ dịch chuyển chỗ làm. Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp là thể hiện chính sách an sinh xã hội ưu việt của Nhà nước, nhưng theo kiến nghị của DN, BHXH Bình Dương sẽ kiến nghị lên trên sửa đổi các quy định ràng buộc, cũng như thực hiện việc quản lý lao động khoa học và điều chỉnh mức lương tối thiểu tại Bình Dương bằng 80% so TP.HCM...

Sau khi lắng nghe giải trình của lãnh đạo các ngành chức năng về kiến nghị của DN, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn cho DN, như: Điện, nước, giao thông, an ninh trật tự và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết lãnh đạo UBND tỉnh sẽ cùng các ngành chức năng tiếp tục gặp gỡ DN để tìm hiểu thêm những khó khăn của DN, từ đó có cơ sở kiến nghị lên trên những vấn đề thuộc cấp vĩ mô, giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ngọc Trực

 

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=164
Quay lên trên