Động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật: 17-07-2012 | 00:00:00

Trong những năm qua, kinh tế trang trạ (KTTT) ở Bình Dương không ngừng phát triển theo xu hướng tăng về giá trị đầu tư và hiệu quả, đa dạng về loại hình theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Nhờ biết phát huy tốt thế mạnh của thổ nhưỡng, khí hậu cộng với những chính sách khuyến khích của tỉnh, KTTT ở Bình Dương ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế tỉnh nhà.

Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh Bình Dương có 938 TT với diện tích 10.302 ha, sử dụng 5.151 lao động. Tính bình quân 1 TT sử dụng gần 11 ha và 5,5 lao động. Trong đó, có 760 TT trồng trọt, 175 TT chăn nuôi, 3 TT tổng hợp. Nếu phân theo địa bàn thì TX.Thuận An có 37 TT; TP.Thủ Dầu Một 2 TT; TX.Dĩ An 2 TT, huyện Bến Cát 97 TT; huyện Dầu Tiếng 386 TT; huyện Phú Giáo 315 TT và huyện Tân Uyên 99 TT.

Khuyến khích phát triển trang trại

Để góp phần đưa KTTT phát triển đúng hướng, phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh, tỉnh Bình Dương đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo động lực phát triển. Cụ thể là Quyết định 88/2004 về Phê duyệt quy hoạch phát triển KTTT gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng chuyên canh nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, chú trọng đến các vấn đề gồm: Phát triển KTTT vùng chuyên canh cây cao su; phát triển KTTT vùng chuyên canh cây điều; phát triển KTTT vùng chuyên canh cây ăn quả; phát triển KTTT vùng chuyên canh rau thực phẩm; phát triển KTTT vùng chăn nuôi tập trung.  

Cây cao su được xem là kinh tế chủ lực của nhiều trang trại hiện nay

Ngoài việc quy hoạch vùng còn gắn với việc hỗ trợ kỹ thuật, vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo các kênh như chợ đầu mối, siêu thị, tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đào tạo lao động... Bên cạnh đó còn hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho hộ và TT cao su, có chủ trương cho thuê phần đất vượt hạn điền, có chính sách miễn thuế việc trồng cao su trên đất hoang hóa, chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả khác sang như điều trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, thu thuế theo năng suất khi vào giai đoạn kinh doanh, giảm thuế xuất khẩu cho sản phẩm cao su qua sơ chế và giảm thuế từ 1 - 3 năm cho các doanh nghiệp có đầu tư công nghệ mới trong chế biến các sản phẩm từ cao su...

Về việc giao, thuê đất, đến thời điểm cuối năm 2006 ngoài số TT nhận khoán trong các nông, lâm trường, nhận khoán khu vực rừng phòng hộ, còn lại 100% các TT đã được cấp GCN QSDĐ sản xuất ổn định lâu dài. Đây là một điều kiện rất thuận lợi giúp cho các chủ TT có điều kiện vay vốn ngân hàng và yên tâm đầu tư sản xuất. Nhiều TT cũng đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các chương trình tập huấn, tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Hiện nay, một số TT đã đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp hệ thống tưới tiêu hiện đại như TT Đoàn Minh Chiến với hệ thống đường ống, hệ thống bồn nước 30.000 lít để dẫn nước đến tận từng gốc cây bằng công nghệ tưới xòe, không quay... Nhờ đó, nhiều giống cây trồng mới, các loại vật nuôi có năng suất cao hơn từng bước được nhân rộng và phát triển.

Ăn nên làm ra

Quá trình phát triển KTTT ở Bình Dương đã nổi lên nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như TT Đoàn Minh Chiến, Thanh Thủy, Phương Uyên, Trần Thành Có, Phương Nam...

Trong đó, doanh thu từ TT Đoàn Minh Chiến của ông Chiến (Tân Uyên) lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm, năm 2011 tổng doanh thu của ông Chiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 500 - 700 triệu đồng. Còn doanh thu bình quân của TT Phương Uyên (Tân Uyên) thì đạt trên 6 tỷ đồng/năm và cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. TT Thanh Thúy (Bến Cát) cũng đạt doanh thu đến 5,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,7 tỷ; TT Trần Văn Vạn (Bến Cát) cũng đạt doanh thu hơn 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 540 triệu đồng; TT Lê Văn Phấn (Bến Cát) cũng đạt doanh thu gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng, ngoài ra doanh thu từ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp của ông đạt khoảng 3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm; TT Phương Nam (Dầu Tiếng) có doanh thu tăng dần theo từng năm, nếu như năm 2005 chỉ đạt 800 triệu đồng, năm 2006 đạt 1 tỷ đồng thì đến năm 2011 đạt tới 5 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, các TT còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn công nhân lao động với mức lương khá, cụ thể như người lao động của TT Đoàn Minh Chiến có mức thu nhập bình quân đạt từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. 15 lao động làm việc ổn định tại TT Phương Nam cũng có mức lương từ 2,7 đến 3,2 triệu đồng/tháng, còn lao động thời vụ có khoảng 30 lao động với mức lương 2,1 - 2,5 triệu đồng/tháng... Sau khi ăn nên làm ra, có của để, nhiều chủ TT còn tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo như giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ người nghèo, neo đơn... tại địa phương mình.

Những thành quả mà KTTT của Bình Dương đạt được qua một vài con số điển hình nói trên cho thấy, đây là mô hình phát triển đầy tiềm năng, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là động lực góp phần thúc đẩy thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên