Đưa hàng Việt vào thị trường Nga: Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Bình Dương

Cập nhật: 11-12-2012 | 00:00:00

Những năm gần đây, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và Việt Nam đã và đang được củng cố vững chắc. Chính vì thế, khi nhu cầu thị trường EU, Hoa Kỳ đang có dấu hiệu giảm sút do nợ công và suy thoái kinh tế, thị trường Nga đang được cho là có sức hấp dẫn tốt hơn đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như Bình Dương. Mới đây, Sở Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga tổ chức cuộc hội thảo giới thiệu tiềm năng thương mại, đầu tư tại thị trường này, qua đó cho thấy, nhiều cơ hội kinh doanh được mở rộng đối với DN Bình Dương…

  

 Kinh tế Nga tăng trưởng, nhu cầu thị trường lớn sẽ tạo ra cơ hội cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương

 Nhu cầu thị trường lớn

Nếu có kế hoạch thâm nhập vào thị trường và bắt đầu hợp tác với các đối tác Nga, các DN Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp hiện hành của Liên bang Nga về quy trình đăng ký văn phòng đại diện và chi nhánh, đăng ký thuế, tạm trú. Các quy định này đều phù hợp với tiêu chuẩn EU và giống như luật pháp Việt Nam về lĩnh vực này đối với các công ty nước ngoài…

(Ông Kardo-Sysoev Alexander, đại diện Cơ quan Thương mại Nga tại Việt Nam)

 

Trong bối cảnh kinh tế, tài chính đang diễn ra khá căng thẳng tại Liên minh châu Âu với diễn biến cuộc khủng hoảng nợ công chưa có dấu hiệu dừng lại, nền kinh tế của Liên bang Nga lại đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Do đó, nhu cầu trên thị trường Nga cũng rất lớn, mở ra cơ hội xuất khẩu cho các DN Việt Nam tại quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới với số dân trên 143 triệu người này. Ông Kardo-Sysoev Alexander, đại diện Cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, trong năm 2012, Nga đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng kể, GDP tăng 4,4%, (795 tỷ USD); sản xuất công nghiệp tăng 4,7%; kim ngạch ngoại thương tăng 4,1%, (561,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 333,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 205,8 tỷ USD); lạm phát khá thấp ở mức 3,5%; tỷ lệ thất nghiệp giảm chỉ còn 5,4%... “Tất cả các chỉ số này cho thấy, Nga hiện nay là một thị trường lớn, có sự phát triển bền vững. Do vậy, các cơ hội và những thuận lợi đang được mở ra để phát triển quan hệ thương mại đầu tư giữa Nga và Việt Nam…”, ông Kardo-Sysoev Alexander nhận định.

Trên thực tế, trong năm 2012, kim ngạch thương mại song phương Việt -Nga dự kiến sẽ đạt ở mức 3,7 tỷ USD, tăng 15 lần so với 10 năm trước đây. Dự báo đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt đến mức 7 tỷ USD. Điều quan trọng là Nga và Việt Nam không cạnh tranh nhau trên thị trường quốc tế vì cơ cấu thương mại có tính bổ sung cho nhau. Nga xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm luyện kim đen, công nghiệp hóa học, máy móc thiết bị, phân bón... trong khi Việt Nam xuất khẩu sang Nga các sản phẩm cao su, thủy hải sản, giày dép, may mặc, đồ điện tử, gạo, mì ăn liền, cà phê, rau quả… Với một nền sản xuất công nghiệp mạnh mẽ của Bình Dương, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử… sẽ là những mặt hàng nhập khẩu lớn của thị trường Nga. Vì vậy, khi thị trường xuất khẩu tại EU và Hoa Kỳ đang khó khăn, các DN của Bình Dương có cơ hội rất lớn để chuyển hướng sản phẩm sang thị trường Nga.

Tiềm năng thương mại - đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện đầu tư của Nga vào Việt Nam còn khiêm tốn, khoảng 1 tỷ USD. Tuy vậy, đại diện Cơ quan Thương mại Nga tại Việt Nam cho rằng, đây chỉ là số vốn đầu tư trực tiếp, vì nếu tính cả đầu tư vào các dự án theo các hiệp định liên chính phủ và đầu tư gián tiếp, con số này phải lên trên 4 tỷ USD. Những công ty dầu khí lớn của Nga đang hoạt động tại Việt Nam như Gazprom, Zarubezhneft, Lykoil, TNK-BP… đặc biệt Liên doanh VietsovPetro, một biểu tượng Việt - Nga đang khai thác tới 50% tổng lượng dầu khí của Việt Nam. Dự án lớn mới nhất trong hợp tác thương mại đầu tư giữa 2 nước đang được thực hiện là Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 với công suất 2.400 MW…

Ở chiều ngược lại, môi trường đầu tư tại Nga cũng đã thu hút gần 20 dự án đầu tư của các DN Việt Nam với tổng vốn lên trên 1,7 tỷ USD. Ông Kardo-Sysoev Alexander, đại diện Cơ quan Thương mại Nga tại Việt Nam cho biết, luật pháp Liên bang Nga trong lĩnh vực đầu tư cũng đang tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam xâm nhập thị trường Nga. “Nga đang chú trọng phát triển các khu sản xuất công nghiệp, các khu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, các khu du lịch giải trí, các hải cảng. Diện tích quy hoạch các khu này có lên tới 40km2, thời hạn hoạt động trong 49 năm. Các nhà đầu tư sẽ được giảm 30% chi phí, miễn thuế tài sản trong 10 năm, giảm thuế thu nhập DN trong 10 năm đầu hoạt động; đơn giản hóa các thủ tục nhập cư cho cá nhân và gia đình nhà đầu tư…” - vị đại diện Cơ quan Thương mại Nga tại Việt Nam chia sẻ.

Một điểm đáng lưu ý, theo lộ trình khi gia nhập WTO, trong 3- 4 năm tới, Nga sẽ phải hạ thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản của Việt Nam xuống từ 30 - 50 lần, mức thuế trung bình của các nhóm hàng này sẽ giảm xuống ở mức khoảng 10%. Các nhóm hàng mà Nga cũng phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình là điện máy, thiết bị, quần áo, đồ da, thủy hải sản. Mặt khác, các nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam cũng như Bình Dương sẽ xuất hiện nếu Việt Nam và Liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) ký kết được hiệp định về khu vực thương mại tự do, sẽ đưa các loại thuế nhập khẩu về mức 0%, đồng thời đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 12 tỷ USD vào năm 2018…

Ngoài ra, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga đã được thành lập và đang hoạt động hiệu quả. Ngân hàng này có thể hỗ trợ, giải quyết các vấn đề về thanh toán, các DN Việt Nam chỉ cần là khách hàng của ngân hàng này, sẽ có được những phương thức thanh toán thuận lợi với các đối tác của Nga.

 THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên