Đừng đánh mất tiếng ru từ ngàn đời

Cập nhật: 18-05-2012 | 00:00:00

(BDO) Ở một xã nghèo vùng xa, một liên hoan văn nghệ tốn... 3 triệu đồng lại trở thành sân chơi rất đỗi bổ ích, thu hút hầu hết người dân địa phương. Ðó là liên hoan hát ru do Hội phụ nữ xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tổ chức đầu tháng 5.

Ðêm diễn ra liên hoan, hơn 100 "diễn viên" từ 3 tuổi cho đến 63 tuổi đến từ chín làng trong xã Gio An. Mười tiết mục hát ru đã được thể hiện một cách rất tự nhiên, đầy hứng khởi. Ngoài những làn điệu hát ru cổ của địa phương, người diễn còn khoe tài bằng các điệu ru Bắc, ru Nam lồng ghép với các làn điệu hò ca vần vè của các vùng miền. Hàng trăm thanh niên nam nữ đứng ngồi trên xe máy, chăm chú lắng nghe hát và nhẩm hát theo... Tất cả đều đón nhận với rất nhiều cảm xúc.

  Biểu diễn hát ru conMột thông tin thật thú vị khiến nhiều người rất đỗi vui mừng. Vui vì cuộc sống dẩu có thay đổi thế nào, văn hóa ngoại lai có xâm nhập thế nào thì những lời ru câu hò, nét văn hóa truyền thống quý báu của ông cha từ ngàn đời vẫn còn được nhiều người, nhiều địa phương trân trọng gìn giữ, lưu truyền.

Nhiều năm nay, hầu hết các chương trình liên hoan văn nghệ cấp xã, phường, thị trấn ở tỉnh nhà nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn, nội dung các chương trình văn nghệ này thường được chia làm 2 phần. Phần 1 giới thiệu các ca khúc truyền thống cách mạng theo chủ đề tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm sự kiện đang diễn ra. Phần 2 sẽ là phần biểu diễn các ca khúc nhạc trẻ đang thịnh hành.

Thỉnh thoảng, có một vài bài vọng cổ được đưa vào chương trình trong phần một. Còn lại dân ca và hát ru thì gần như biến mất trong các chương trình có rất đông khán giả là người trẻ, nhưng những làn điệu hát ru được nghe từ nhỏ vẫn luôn âm ỉ trong lòng họ, nếu được dịp khơi gợi chắc chắn sẽ được họ chia sẻ, ủng hộ.

Hy vọng từ sự thành công ngoài mong đợi của liên hoan hát ru xã Gio An, nhiều địa phương khác sẽ học tập và nhân rộng mô hình này ở địa phương mình. Nếu chậm trễ trong việc bảo tồn và phát huy những làn điệu hát ru trong đời sống hôm nay thì đến một ngày không xa, chúng ta sẽ đánh mất dần, mai một dần rồi mất hẳn một di sãn quý giá trong bản sắc văn hóa dân tộc của cha ông để lại.

“Nếu nói rằng người mẹ ở Việt Nam ngày nay bị quay cuồng theo nhịp sống, thì ở Việt Nam so với các nước Âu Mỹ vẫn còn nhàn nhã hơn nhiều. Vậy mà tôi còn bắt gặp được tiếng mẹ ru con tại Honolulu (Hawai, Hoa Kỳ) và Toronto (Canada). Khi tôi đến Hà Lan để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam cho các bạn Việt kiều bên ấy, tôi đã gặp được một gia đình Việt Nam, hai vợ chồng còn trẻ đều đi làm, vậy mà người vợ vẫn còn thì giờ dỗ con ngủ bằng những câu hát ru Việt Nam. Đứa bé vừa chập chững đi đã bập bẹ đôi ba câu tiếng Việt. Khi được cha hỏi: “Mẹ con ru con thế nào?”. Bé bắt chước mẹ ngâm nga: “Ví dầu con cá nấu canh…”. Tôi vô cùng xúc động”. Xin mượn lời kể của Giáo sư Trần Văn Khê để nhắc nhỡ những ai cho rằng ngày nay không có thời gian và điều kiện để… hát ru con.

MAI THI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=224
Quay lên trên