Giá “phản ứng” dây chuyền

Cập nhật: 23-04-2012 | 00:00:00

Từ 20 giờ ngày 20-4 vừa qua, giá xăng A92 tăng 900 đồng/lít (từ 22.900 đồng lên 23.800 đồng/lít); dầu diesel tăng 500 đồng/lít (từ 21.400 đồng lên 21.900 đồng/lít); dầu hỏa tăng 600 đồng/lít (từ 20.800 đồng lên 21.400 đồng/lít); dầu mazut tăng 400 đồng/kg (từ 18.800 đồng lên 19.200 đồng/kg). Đây là lần thứ hai điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu kể từ đầu năm nay. Bộ Tài chính giải thích việc tăng giá lần này là do giá xăng dầu thế giới diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao đã tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước làm cho việc kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Quỹ bình ổn giá cũng đã sử dụng hết, vì vậy việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu...

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới là hợp lý vì 70% thị phần xăng dầu trong nước là nhập khẩu. Do vậy, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng cần phải có sự điều chỉnh tương ứng. Tuy nhiên, tăng giá xăng dầu lần này là tại sao lại quyết định tăng 900 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu diesel trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cho biết họ lỗ 600 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel.

Từ ngày 1-5 tới, mức lương tối thiểu chung sẽ được tăng từ 830.000 đồng lên mức 1.050.000 đồng/tháng. Ước tính cả nước có hơn 6 triệu người được tăng lương. Các đối tượng tăng lương đợt này gồm các cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc trong khu vực: cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, con số tính toán được Vụ Lao động tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết thật đáng buồn: So với nhu cầu sống tối thiểu, mức lương tối thiểu hiện hành khu vực hành chính sự nghiệp chỉ bằng 46%, còn khu vực doanh nghiệp chỉ bằng 65%! Vì thực tế, mức tăng lương này chỉ bù đắp được một phần mức trượt giá. Thử hỏi khoản chênh lệch ấy người hưởng lương, người lao động lấy đâu ra để bù vào cho bảo đảm cuộc sống tối thiểu của mình?

Giá xăng dầu tăng là khởi điểm cho một “phản ứng” dây chuyền của giá cả. Doanh nghiệp vận tải tăng cước vận chuyển; giá cước vận chuyển tăng sẽ làm tăng giá thành, giá bán hàng hóa, đẩy doanh nghiệp càng thêm điêu đứng vì không thể tăng giá bán hàng trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Lại thêm đầu tháng tới, thời điểm tăng lương tối thiểu đã có không ít người lo ngại rằng, sẽ xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa” để đẩy giá hàng hóa lên cao hơn. Có một thực tế đã và đang diễn ra: hàng hóa đang đồng loạt tăng giá. Giá tăng phổ biến nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Giải thích cho việc tăng giá thì ai cũng nêu nguyên nhân do giá xăng dầu, giá điện tăng...

Chưa đến thời điểm tăng lương thì giá cả đã và đang rục rịch tăng. Người lao động đang đối mặt với nỗi lo giá cả hàng hóa. Dĩ nhiên, giá cả tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn và cả chất lượng cuộc sống, nhất là cuộc sống của người lao động, người hưởng lương vốn đang gặp nhiều khó khăn. Như vậy mừng chỉ một mà lo đến mười!

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=272
Quay lên trên