Gian nan… hàng Việt!

Cập nhật: 07-05-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Rào cản ngày càng nhiều!

Kỳ 2: Những doanh nghiệp vượt rào hiệu quả

Để thâm nhập thị trường, từng bước giải phóng lượng hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp (DN) kiên cường bám trụ chinh phục người tiêu dùng (NTD), từng bước mở rộng thị trường một cách sáng tạo. Và, họ đã không đơn độc, bởi luôn có sự vào cuộc của Nhà nước, đặc biệt là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chiếm lĩnh thị trường trong nước

Trước khó khăn, mỗi DN đều có các chiêu thức riêng, hướng đi riêng để duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD), mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm Minh Long 1, cho biết: “Khi xuất khẩu có dấu hiệu khó khăn, chúng tôi liền quay trở về thị trường nội địa. Tuy nhiên, để chinh phục NTD, chúng tôi phải sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và túi tiền của người Việt. Nhờ vậy mà DN vượt qua được giai đoạn khó khăn…”.  

Tham gia phiên chợ vui để đưa hàng về nông thôn là một kênh phân phối hiệu quả của Công ty Minh

Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn là một trong 10 thương hiệu có doanh số đứng đầu Việt Nam. Đây là đơn vị đóng góp hơn 14.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước năm 2012. Riêng tại Bình Dương, năm 2012, công ty đã tiêu thụ khoảng 30 triệu lít bia Sài Gòn. Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, cho biết: “Đạt được hiệu quả cao là nhờ chất lượng sản phẩm tốt, giá cả dịch vụ tốt. Cùng với đó, chúng tôi tổ chức cho nhân viên đến từng quán ăn, nhà hàng để trực tiếp giới thiệu sản phẩm. Những chiêu thức đó đã góp phần làm nên thắng lợi của thương hiệu Bia Sài Gòn”.

Một số DN gắn sự phát triển với trách nhiệm xã hội. Theo bà Phạm Thị Tường Vy, Quản lý dinh dưỡng khu vực miền Đông của thương hiệu Dutch Lady (sữa Cô gái Hà Lan): “Từ chỗ biết được ngành y tế Bình Dương đang quá tải, nhãn hàng cũng góp phần với chương trình tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em. Chương trình đã chạy thí điểm hơn 3 tháng nay ở 3 xã. Mỗi xã chúng tôi chọn 5 cộng tác viên để đào tạo cấp tốc kiến thức chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng ở từng độ tuổi. Sau đó, cung cấp tài liệu để các chị trực tiếp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân tại địa phương”. Chị Đặng Thị Mộng Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nói: “Đây là chương trình vừa đạt hiệu quả bán hàng, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, gia tăng uy tín của thương hiệu”.

Tăng cường tiếp thị sản phẩm

Để vượt các rào cản kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh khi xâm nhập thị trường các nước, một số DN đã đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra. Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A khẳng định: “Để tồn tại và mở rộng thị trường ở Tây Âu chỉ có một con đường là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại”. Cùng với đổi mới công nghệ, DN còn tăng cường tiếp thị sản phẩm, xúc tiến thương mại (XTTM). Không có tiền tham dự hội chợ ở nước ngoài, các DN tham gia hội chợ trong nước để tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm với đối tác từ các nước đến tìm hiểu thông tin sản phẩm. Đây là cách mà ngay từ năm 2011, Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã sử dụng để quảng bá sản phẩm và lôi kéo đối tác đến với các DN thành viên. Bằng cách phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam (Vietcraft), Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã tổ chức thành công Hội trợ triển lãm quốc tế Lifestyle Vietnam về hàng gốm sứ. Năm 2012, thông qua hội chợ một số hội viên của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã ký kết hợp đồng xuất khẩu với tổng trị giá xấp xỉ 50.000 USD. Năm nay cũng có 9 DN thành viên đăng ký tiếp tục tham gia hội chợ này.

Cần sự “đồng hành” của Nhà nước

Để hàng Việt tự tin hơn tại thị trường trong nước, các hiệp hội ngành hàng đề nghị Nhà nước cần tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế các mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được, ngăn chặn hàng hóa chất lượng thấp từ Trung Quốc, ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước khi mua sắm bằng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị ngành chức năng đẩy mạnh chương trình XTTM, khảo sát, tìm hiểu, hỗ trợ DN tham gia triển lãm nhằm tiếp thị sản phẩm tại thị trường các nước như Brazil, Argentina, Nam Phi, Úc, New Zealand và một số nước Đông Âu có nền kinh tế ổn định như Ukraine, Kazakhstan… giúp cho DN có hướng đi mới thay vì ngồi chờ thị trường cũ phục hồi.

Tránh rào cản kỹ thuật về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu gỗ khi sản phẩm vào thị trường châu Âu, Hiệp hội Gỗ Bình Dương cũng kiến nghị các ngành chức năng xem xét đầu tư vốn cho những dự án trồng rừng, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong tương lai. Hiện tại, nhóm nguyên liệu này chưa được chú ý, còn trồng phân tán nên chưa đạt chuẩn quốc gia cho việc cấp các chứng chỉ chuyên ngành theo luật quốc tế. Một số DN khác kiến nghị Nhà nước nên có chính sách mới về cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp, tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất và đầu tư đổi mới trang thiết bị để vượt rào cản về kỹ thuật mà các nước cố tình dựng lên để cạnh tranh với hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam.

Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “UBND tỉnh và Sở Công Thương đã nhiều lần tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với DN và hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn về thuế, hải quan, thủ tục hành chính… Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên trên những kiến nghị, đề xuất của DN ngoài khả năng giải quyết của tỉnh”. Ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế nói thêm: “Năm 2012, toàn ngành đã xét miễn, giảm, gia hạn thuế cho hàng trăm DN với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Năm nay, trước những khó khăn của DN, ngành thuế cũng đã và đang xem xét hỗ trợ DN bằng cách tiếp tục xét miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN…”.

Trong lần về thăm Bình Dương mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá rất cao những thành tựu về phát triển CN-TM-DV ở Bình Dương và hứa sẽ sớm xem xét, giải quyết những kiến nghị của Sở Công Thương và các hiệp hội ngành hàng. Riêng về chính sách vốn, Bộ trưởng cho biết đã nhiều lần gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước đề nghị dành khoản tín dụng trung, dài hạn giúp DN đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất, tuy nhiên, ngân sách đang gặp khó khăn nên việc hỗ trợ DN hạn chế…

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên