Hạ tầng đồng bộ, đô thị xứng tầm

Cập nhật: 31-12-2020 | 04:10:06

24 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có những bước phát triển đột phá về kinh tế và đô thị, ngày càng vươn mình mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.

 Thành phố mới Bình Dương, trung tâm của Vùng ĐMST Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Đô thị nâng cấp

Trên bước đường đã qua, tỉnh nhà đã quyết tâm đổi mới và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với các chương trình đột phá được triển khai, đô thị Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện văn minh, hiện đại. Các công trình giao thông đối ngoại quan trọng được đầu tư theo hướng liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục đường tỉnh, đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc quy hoạch, lập dự án và triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông liên khu vực như Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… và các tuyến đường giao thông khu vực, giao thông nông thôn kết hợp chỉnh trang đô thị đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Trong giai đoạn 2012-2020, chương trình phát triển đô thị được tập trung triển khai quyết liệt, huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư hạ tầng đô thị, công tác quản lý từng bước đi vào nề nếp. Công tác nâng cấp đô thị được triển khai, thực hiện đúng lộ trình theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Những kết quả này đã đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị của Bình Dương theo đúng định hướng”.

Đến nay, tỉnh Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (TP.Thuận An, Dĩ An; TX.Bến Cát, Tân Uyên); 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).

Bước đột phá

Với phương châm liên tục đổi mới để phát triển, Bình Dương tiếp tục nghiên cứu mô hình xây dựng và phát triển thành phố thông minh (TPTM) dựa trên nền tảng sự gắn kết 3 nhà (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và con người, phát triển bền vững. Từ chiến lược TPTM, Bình Dương đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong khoa học công nghệ như Tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA… các viện, trường trong nước và quốc tế danh tiếng như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Viện Nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia Chungnam Hàn Quốc, Đại học Portland State Mỹ, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh… Từ đó xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo quy mô.

Song song đó, Bình Dương đã đăng cai tổ chức liên tiếp các sự kiện mang tầm toàn cầu về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ (KHCN) thế giới (WTA), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis)… Bình Dương và các vùng trong tỉnh đã lần lượt được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới như Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội WTA, Hiệp hội các Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA)...

Chiến lược TPTM được chuyển đổi thành Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương. Vùng ĐMST Bình Dương là thành quả bước đầu của đề án TPTM Bình Dương, là sự lan tỏa của Vùng kinh tế thông minh Bình Dương, được mở rộng đa hướng. Vùng ĐMST được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái ĐMST và rộng hơn là văn hóa ĐMST bền vững. Bình Dương sẽ có điều kiện xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức

 kinh tế lớn trên thế giới. Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới, phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.

Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh: “Với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng ĐMST Bình Dương mà Tổng Công ty Becamex IDC báo cáo, đề xuất. Về chủ trương, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cao với việc xây dựng và triển khai Đề án Vùng ĐMST Bình Dương và việc quy hoạch khu công nghiệp KHCN tại huyện Bàu Bàng”.

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ phê duyệt quy hoạch tổng thể Vùng ĐMST Bình Dương. Trong đó sử dụng thành phố mới Bình Dương là tâm điểm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp của tương lai, cụ thể là Khu công nghiệp KHCN Bàu Bàng. Phát triển đô thị gắn liền với quy hoạch giao thông công cộng (BRT - TOD). Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương. Định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt, phát triển logistics thông minh và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kỹ thuật số - băng thông rộng. Song song đó, Bình Dương sẽ xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Với những nỗ lực và phát triển không ngừng, cùng những kết quả đã đạt được, Bình Dương đang ngày càng vững bước phát triển, vươn mình mạnh mẽ cùng với những khát vọng nâng tầm.

Bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh: “Tôi đánh giá cao sự phát triển vượt bậc về công nghiệp và đô thị của Bình Dương. Từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, diện mạo đô thị hiện đại, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của thành phố mới Bình Dương. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Bình Dương. Với việc duy trì định hướng đúng đắn và kiên định trên con đường phát triển, tôi tin rằng trong thời gian tiếp theo Bình Dương sẽ càng đạt được tầm cao mới”.

Ông Stijn Steenbakkers, Phó Thị trưởng TP.Eindhoven: “Tôi đánh giá cao về sự phát triển vượt bậc của Bình Dương thời gian qua. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, cũng như kết quả trong xây dựng TPTM của Bình Dương. Tôi tin tưởng, trong thời gian tới mối quan hệ hợp tác giữa Bình Dương và TP.Eindhoven ngày càng phát triển. TP.Eindhoven sẽ hợp tác, hỗ trợ Bình Dương nhiều hơn nữa đối với các dự án lớn trong chiến lược phát triển của Bình Dương đã đề ra, xây dựng thành công thành phố thông minh Bình Dương”.

Ông Fu Jung Tso, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sunching Việt Nam Khu công nghiệp Đại Đăng: “Bình Dương có hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhiều mảng xanh, giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, rất phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của công ty. Bình Dương đang xây dựng TPTM, tới đây sẽ triển khai xây dựng Vùng ĐMST Bình Dương. Với những kết quả của tỉnh trong thời gian qua, tôi tin tưởng Bình Dương sẽ thực hiện được khát vọng của mình, Bình Dương luôn là điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=878
Quay lên trên