Hạn chế trẻ lao động sớm: Chung tay tìm tương lai cho em

Cập nhật: 04-04-2014 | 00:00:00

 Các em chưa đến tuổi lao động nhưng đã bươn chải sớm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Ảnh: ĐỖ TUÂN

Tuổi thơ “chín sớm”

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 22.000 TE đường phố, tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Tại Bình Dương không khó để bắt gặp hình ảnh những em bé trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bán vé số, làm việc tại các tiệm sửa xe, phục vụ tại các quán cà phê… Các em chủ yếu là con em lao động đến từ các tỉnh. Nhiều em may mắn vừa được đi học, vừa phụ giúp gia đình. Có em phải lao động trong môi trường độc hại để có được khoản tiền lương ít ỏi.

Bé Quang (9 tuổi) bán vé số dạo tại phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An), bộc bạch: “Con đi bán vé số được nhiều năm rồi, mỗi ngày con bán được vài chục ngàn để giúp mẹ”. Quê Quang ở Nghệ An, bố mẹ ly hôn, em theo mẹ vào Bình Dương bán vé số mưu sinh từ lúc 5 tuổi. Đối với Quang, ước mơ hàng ngày là bán hết số vé số trên tay. Một lần ngồi quán cà phê, chúng tôi lại bắt gặp một cô bé với thân hình nhỏ nhắn, mặc bộ đồng phục học sinh cũ rích đang nài nỉ một đôi tình nhân mua hoa hồng. Dù “thượng đế” đã nhiều lần xua tay nhưng đứa bé vẫn đứng năn nỉ… Ngoài những công việc nhẹ nhàng, như bán vé số, bán bông, đi xin… nhiều em nhỏ còn mưu sinh bằng những công việc độc hại, như sửa xe máy, hàn két nước ô tô, làm cơ khí. Đặng Văn Tỉnh (14 tuổi, quê ở Quảng Ngãi), học việc tại tiệm sửa xe trên đường quốc lộ 13, do phải thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, nhớt thải, dầu mỡ, khói độc… toàn thân em lấm lem, đen xì. Tỉnh nói: “Em được nhận vào học việc, nhưng một tháng sau em đã sửa như một thợ chính. Mỗi tháng trừ chi phí ăn ở, em được trả công hơn một triệu đồng” .

Tại các lò gạch thuộc xã Khánh Bình (Tân Uyên) rất nhiều em nhỏ làm công việc nặng, như: Đẩy gạch vào lò, đưa gạch lên xe tải. Gồng tay cố đẩy chiếc xe chở gạch thoát khỏi ổ gà, khuôn mặt Nhật (16 tuổi, quê Sóc Trăng) mồ hôi nhễ nhại. Nhật theo ba mẹ đến Bình Dương mưu sinh từ năm 12 tuổi. Tại đây, em làm đủ nghề để phụ giúp ba mẹ kiếm thêm thu nhập. Sau đó, em được nhận vào làm tại lò gạch gần 2 năm. May mắn hơn, N.M.P (17 tuổi, quê Thanh Hóa) được nhận vào làm việc tại một công ty may ở Thuận An. “Em được nhận vào công ty dưới dạng học việc. Nhưng khi vào làm được một tháng thì em đứng chuyền chính như những công nhân bình thường. Lương cứng của em dựa trên số sản phẩm làm được. Ngoài lương ăn theo sản phẩm, em không được nhận thêm trợ cấp, thời gian làm thêm ngoài giờ vẫn ăn theo lương sản phẩm chứ không được nhân hệ số”, M.P nói.

Cần nhiều giải pháp

Với những trường hợp trên, có thể thấy, nếu thiếu đi sự quan tâm từ phụ huynh và cộng đồng, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em mà còn để lại gánh nặng cho xã hội. Bởi vì, khi các em đi làm quá sớm, không được chuẩn bị nền kiến thức cơ bản, không có tay nghề, ít kỹ năng sống, kinh nghiệm xã hội không có thì chắc chắn các em không lựa chọn được những công việc tốt, có tương lai. Như thế, vòng luẩn quẩn của cái nghèo sẽ theo các em suốt đời. Do đó, đã đến lúc các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần phối kết hợp thật tốt để vào cuộc một cách tích cực. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động, tạo điều kiện giúp các em vừa học vừa làm; thực hiện tốt việc dạy nghề, giải quyết việc làm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TE xuất thân từ những gia đình nghèo, dân nhập cư khó khăn phải bươn chải kiếm sống sớm.

 Để ngăn ngừa tình trạng TE lao động sớm, lang thang kiếm sống rơi vào các tệ nạn xã hội, Bình Dương đã hình thành 20 Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận với hơn 600 em hiện đang tham gia sinh hoạt; tiếp tục duy trì hoạt động của 58 Câu lạc bộ “Bảo vệ và trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng tại các khu, ấp ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và huyện Tân Uyên. Năm 2013, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ kịp thời cho 139 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 100 em lang thang được giới thiệu đến các lớp học tình thương.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Thị Anh Đào, trong năm 2014, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện pháp luật về bảo vệ chăm sóc TE. Sở cũng xin chủ trương UBND tỉnh tiến hành điều tra khảo sát tổng thể tình hình lao động TE. Trên cơ sở đó sở tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với vấn đề lao động TE; tăng cường truyền thông vận động phổ biến giáo giáo pháp luật có liên quan đến TE trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến và hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh và các bậc phụ huynh hiểu các quy định của pháp luật về lao động TE. Song song đó, sở sẽ đẩy mạnh phối hợp các tổ chức đoàn thể, mở rộng mô hình Ban kết nối dịch vụ Bảo vệ TE tại các xã, phường, thị trấn (hiện toàn tỉnh mới có 18/91 xã thực hiện) để tiếp nhận những thông tin, báo cáo, tư vấn, hỗ trợ TE có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có TE lao động sớm; nắm thông tin và định kỳ tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý những trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc lạm dụng sức lao động của TE hoặc núp dưới danh nghĩa học nghề, phụ việc để bóc lột sức lao động của TE.

 ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên