Hội thi Sáng tạo kỹ thuật khối giáo dục nghề nghiệp tỉnh: Sân chơi sáng tạo của đội ngũ giáo viên

Cập nhật: 07-01-2019 | 07:54:41

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật khối giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh Bình Dương lần thứ I - năm 2018 vừa bế mạc đã để lại nhiều ấn tượng, bài học kinh nghiệm cho các giáo viên đang giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở GDNN trong tỉnh. Hội thi là sân chơi sáng tạo để đội ngũ giáo viên tạo ra những sản phẩm, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác đào tạo nghề, hỗ trợ cho thành phố thông minh Bình Dương.

 Mô hình của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore tham gia hội thi

 Nhiều mô hình mang tính ứng dụng cao

Đây là lần đầu tiên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật khối GDNN, lần đầu không ít bỡ ngỡ cho các cơ sở GDNN trong việc lựa chọn sản phẩm, mô hình dự thi. Thế nhưng, ngoài mong đợi của Ban tổ chức, 7 cơ sở GDNN đã đưa đến 15 mô hình, sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong giảng dạy, ứng dụng sản xuất tại các doanh nghiệp. Đơn cử như mô hình “Hệ thống tưới nước thông minh” của trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương; “Thiết kế, thi công bàn thực hành truyền động điện” của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore…

Để lựa chọn được sản phẩm, mô hình tham dự hội thi, Ban Giám hiệu các trường đã tạo mọi điều kiện cho giáo viên nghiên cứu, sáng tạo. Thầy Huỳnh Kim Ngân, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương, cho biết nhà trường thường xuyên khuyến khích giáo viên tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật trong giảng dạy. Nhà trường đã xây dựng quy chế, trích ra một phần xây dựng chương trình đào tạo và hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật, trong đó trích phúc lợi động viên, khích lệ giáo viên, học sinh sáng tạo trong giảng dạy, học tập.

Về phía các giáo viên tham gia hội thi, đây là cơ hội để họ “trình làng” niềm đam mê sáng tạo của bản thân. Từ cuộc thi này, nhiều mô hình giảng dạy do các giáo viên sáng tạo sẽ góp phần giúp học sinh vững thực hành.

Tiếp tục duy trì hội thi

Nhận xét về các sản phẩm, mô hình dự thi, PGS. TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Khoa học tự nhiên trường Đại học Thủ Dầu Một, trưởng Ban Giám khảo hội thi, cho biết sản phẩm dự thi được đánh giá bởi 3 tiêu chí như: Tính mới; có thể áp dụng ngoài thị trường; phục vụ công tác giảng dạy. Để hoàn thành vai trò người “cầm cân, nảy mực”, Ban giám khảo đã tiến hành thẩm định tính trùng lặp của các mô hình để loại bỏ. Ban giám khảo hết sức ngạc nhiên trong thời buổi khó khăn về mặt tài chính nhưng các thầy cô đã đáp ứng được tính mới, tính hiện đại và đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sáng tạo các mô hình, sản phẩm.

Hội thi khép lại nhưng tất cả đều hứa hẹn sẽ gặp nhau tại các cuộc thi tiếp theo với những mô hình độc đáo, sáng tạo hơn. Theo thầy Nguyễn Thanh Duy, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương: “Tôi hy vọng cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức để chúng tôi có sân chơi rèn luyện khả năng sáng tạo”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết đây là lần đầu tiên Bình Dương tổ chức sân chơi sáng tạo dành cho giáo viên các cơ sở GDNN trong tỉnh. Qua đó, khai thác tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ các nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở GDNN; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp công nghệ tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động góp phần thực hiện thành công Đề án thành phố thông minh Bình Dương.

Ban tổ chức hội thi đã trao giải cho 6 đề tài của các tác giả và nhóm tác giả, trong đó 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên