5 năm triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Bình Dương đã có nhiều hoạt động chăm lo, tạo điều kiện cho các em được vui chơi, giải trí và phát triển thể lực, trí lực, để trở thành những “mầm non” tương lai cho đất nước.
Tạo nhiều sân chơi
Nhà Thiếu nhi tỉnh là nơi thu hút nhiều học viên theo học và sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội, nhóm và các lớp năng khiếu, nhất là những ngày hè đến. Nơi đây còn thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho các em, thông qua Trại hè thiếu nhi “Teen năng động học điều hay”. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Phan Thái Anh, Phó Giám đốc NTN tỉnh nói, NTN liên tục mở các lớp năng khiếu, chiêu sinh học viên, tạo điều kiện cho các em rèn luyện năng khiếu, song song đó còn tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em (TE), giúp các em có sân chơi lành mạnh và cảm nhận sự quan tâm của xã hội dành cho mình.
Hội Bảo trợ người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo trao học bổng cho trẻ em khó khăn đầu năm học mới
Không chỉ ở Nhà Thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao (VHTT-TT) các huyện, thị, thành phố đã chú trọng mở nhiều lớp năng khiếu và tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ em vui chơi, như tại Trung tâm VHTT-TT huyện Phú Giáo từ lâu đã ra mắt lớp võ Karatedo, Taewkondo, Vovinam, thể dục nhịp điệu, bơi lội…
Mỗi năm, các lớp chiêu sinh có hàng trăm các em nhỏ đến tập luyện; TX.Dĩ An thì đầu tư bài bản cho hệ thống thư viện, nhà hát để phục vụ nhu cầu giải trí, tiếp cận tri thức cho trẻ. Em Lê Bảo Trân (phường Dĩ An, TX.Dĩ An) nói: “Con rất thích đọc sách. Con thường xuyên đến thư viện thị xã để mượn những cuốn sách hay về đọc. Ở thư viện, các cô chú rất nhiệt tình hướng dẫn con lựa chọn sách phù hợp, mở các cuộc thi viết cảm nhận về sách. Đến đọc sách, con còn gặp được các cô chú mê sách, cũng như các bạn đồng trang lứa để học hỏi được nhiều điều hay trong cuộc sống. Con hy vọng tất cả các bạn được đọc sách, được vui chơi, được cắp sách đến trường...”.
Ngoài việc tổ chức và tham gia các hoạt động do Tỉnh đoàn phát động, như giao lưu giữa các đơn vị và trao khăn quàng đỏ, thăm một số địa điểm di tích lịch sử ở Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Hội thi vẽ tranh “Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi”; Trung tâm Thể dục Thể thao tổ chức các giải vô địch cờ vua thanh thiếu niên tỉnh Bình Dương; trường Năng khiếu thể dục thể thao tổ chức chiêu sinh các lớp hè hàng năm nhằm phát hiện và bồi dưỡng các em có năng khiếu, gồm các môn như judo, bóng đá, karatedo, bóng bàn, cờ vua… tất cả đã tạo điều kiện cho các em có thêm các sân chơi bổ ích và thể hiện tài năng của mình.
Ngoài ra, các khối trường học phối hợp với Đoàn thanh niên cùng cấp tổ chức hội thi tin học trẻ; nghi thức Đội; kể chuyện và thi vẽ tranh theo sách; Hội khỏe Phù Đổng; Đại hội Thể dục thể thao học sinh, cờ vua, chạy việt dã... đã thu hút trên 4.000 học sinh/năm tham dự; qua đó, phát hiện, bồi dưỡng và ươm mầm cho các tài năng trong các lĩnh vực của địa phương.
Chăm lo mọi mặt
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6-2015, toàn tỉnh có 420.259 TE dưới 16 tuổi, chiếm 23,3%; 159.690 TE dưới 6 tuổi, chiếm khoảng 8,9%.
Quan tâm chăm lo và bảo vệ TE, những năm qua, Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình cho các em nhất là TE khó khăn được đến lớp và học bơi nhằm phòng tránh tai nạn thương tích đối với TE. Bằng các hình thức tuyên truyền, giai đoạn 2011-2015, ngành LĐ- TB&XH đã phối hợp với xây dựng được 220 chuyên mục, chuyên trang để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật; các kiến thức và kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE, bảo vệ TE có hoàn cảnh đặc biệt, ngăn ngừa tình trạng TE lang thang, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ phải lao động nặng nhọc hoặc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Toàn tỉnh cũng đã thành lập được 28 Câu lạc bộ “TE với phòng chống tai nạn thương tích” tại trường THCS; thành lập được 40 Câu lạc bộ “TE với phòng chống HIV/AIDS” tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát với 1.200 em; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động rộng rãi trong toàn thể nhân dân đăng ký xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững nhằm tạo môi trường gia đình hòa thuận để trẻ có cơ hội thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình...
Theo bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng BVCSTE (Sở LĐ-TB&XH), công tác bảo vệ chăm sóc TE vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện mô hình kết nối các dịch vụ cho TE có hoàn cảnh đặc biệt còn hạn chế do địa bàn rộng, dân cư đông, nhất là khu nhà trọ.
Một số địa phương chưa chủ động đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông vận động, việc phòng ngừa, phát hiện TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chưa được quan tâm đúng mức nên tình trạng TE bị bạo lực, bị xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra. Một số bậc cha mẹ do nhận thức chưa cao, còn xem nhẹ việc bảo vệ, chăm sóc con em mình. Do đó, để công tác BVCSTE đi vào chiều sâu, có nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, gia đình và xã hội.
THIÊN LÝ