“Một miếng khi đói...”

Cập nhật: 11-05-2012 | 00:00:00

Con số 29.000 tỷ đồng “giải cứu” DN lần này là lớn, thậm chí rất lớn nếu xét về giá trị, nhưng lại nhỏ, thậm chí quá nhỏ so với chi phí bỏ ra để hiện đại hóa một bộ, ngành! Nói như vậy là vì trước khi có đề xuất của Bộ Tài chính về gói “giải cứu” DN, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã “phê duyệt” đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa bộ này với tổng chi phí lên đến 223.000 tỷ đồng! Trong đó, riêng hạng mục đầu tư trụ sở làm việc đã “ngốn” hơn 12.000 tỷ đồng, hạng mục đầu tư cho đội tàu biển của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lên đến 100.000 tỷ đồng, trong đó 30.000 tỷ vào năm 2015 và 70.000 tỷ vào năm 2030. Được đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh doanh thì rất kém, vì căn cứ theo kết quả thanh tra giai đoạn 2007-2010 mà Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng, Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu biển từ nước ngoài với tổng trị giá gần 23.000 tỷ (gần bằng gói “giải cứu” DN), nhưng đa số các tàu đều đã qua sử dụng, phải tiêu tốn nhiều kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng và khi đưa vào kinh doanh thì gây thua lỗ lớn! Đây là những con số gây bất bình dư luận trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sản xuất gặp đình đốn như hiện nay.

Đặt con số 29.000 tỷ đồng “giải cứu” DN bên cạnh con số 23.000 tỷ đồng Vinalines đã đầu tư để mua tàu cũ, rồi kinh doanh thua lỗ để thấy tình cảnh khó khăn của DN hiện nay và nhiệm vụ cấp thiết phải cứu DN (đồng nghĩa với cứu nền kinh tế); cũng như sự dễ dãi quá mức đối với các khoản chi cho DN Nhà nước, mà hệ quả không chỉ ở bài toán hiệu quả mà còn là sự mất ổn định vĩ mô, khiến cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ phải gánh chịu! Đưa ra những con số nói trên còn để thấy rằng trong khi nhiều DN đang “đói”, thì một số DN Nhà nước vẫn thừa mứa đến mức phung phí! Có thể con số 100.000 tỷ đồng “phê duyệt” đổ vào Vinalines đến năm 2030 sẽ được xem xét lại, nhưng những con số như thế được đưa ra trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay là phản cảm, gây dư luận không tốt về đầu tư công. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta cần có luật về đầu tư công, về đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, về mua sắm công... biết chừng nào!

Khó khăn của cộng đồng DN hiện nay không loại trừ có thể bắt nguồn từ chính lối làm ăn theo kiểu “thổi bong bóng” lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán của không ít DN. Sẽ rất công bằng khi những DN làm ăn kiểu này bị trừng phạt, nhưng không phải là tất cả. Nếu quy luật thưởng - phạt của thị trường được vận hành trơn tru mà không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích; nếu môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, có lẽ cộng đồng DN đã không trông chờ vào “một miếng khi đói...” như hiện nay.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên