Trong cuộc sống của những người lao động xa quê, câu chuyện tình yêu - hôn nhân và gia đình luôn là động lực tinh thần giúp họ tìm thấy giá trị của cuộc sống để cùng nhau chia sẻ, đồng lòng, cố gắng trong lao động để vươn lên lập thân, lập nghiệp. Với rất nhiều bạn trẻ từ các địa phương khác đến mảnh đất Bình Dương hội tụ sinh sống và làm việc, Bình Dương cũng được xem là nơi bắt đầu của những câu chuyện tình...
Mong muốn một tình yêu
Đối với nhiều lao động xa quê, mỗi khi họ nghĩ đến chuyện tình yêu - hôn nhân vẫn không thể không nghĩ đến nỗi lo gánh nặng mưu sinh. Từ những ngày đầu xa quê, nhiều bạn trẻ nghĩ duy nhất đến một việc là tìm việc làm, lao động để có thu nhập. Nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền đôi khi khiến họ không bận tâm đến chuyện tìm “một nửa” mà chỉ nghĩ đến việc đi làm, nghỉ ngơi và dành dụm tiền phụ giúp gia đình. Từ đó mà nhiều thanh niên công nhân (TNCN) xa quê thường lập gia đình muộn khi đã ổn định được cuộc sống. Nhưng con người đâu phải là gỗ đá, nhất là với những TNCN xa quê vốn thiếu thốn tình cảm, con tim dường như lại càng thổn thức hơn mỗi khi có điều kiện.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công nhân lao động xa quê vẫn luôn đặt niềm tin vào cuộc sống và hướng đến một tình yêu chân thành để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong ảnh: Trung tâm Hỗ trợ TNCN và Lao động trẻ tỉnh tổ chức lễ cưới tập thể cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NHƯ Ý
Anh Nguyễn Văn Thái, một công nhân làm nghề xây dựng (quê Hà Tĩnh), chia sẻ: “Đời thợ xây lấm lem quần áo tối ngày nên nhiều khi tôi cũng không nghĩ đến chuyện quen bạn gái. Xa quê hơn 10 năm, nay đã 35 tuổi rồi, ra vào phòng trọ một mình đôi khi cũng buồn. Tôi cũng muốn tìm được người thương để về chung một nhà; lúc không khỏe có người chăm lo, cùng nhau chia sẻ trong công việc và cuộc sống vẫn tốt hơn”. Còn anh Trần Nhân Nghĩa quê ở Cà Mau, đang làm công nhân ở TX.Thuận An, kể: “Ngày trước ở một mình, tôi mong muốn tìm được một nửa yêu thương để sau này xây dựng gia đình. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường cùng mấy đứa bạn đến quán gần chỗ trọ ngồi uống cà phê nói chuyện giải trí. Bạn gái của tôi bây giờ là người bạn tôi tình cờ quen được trong một lần cả hai đến quán hát với nhau. Lần đó tôi thích giọng hát của cô ấy và cùng quê nên chúng tôi làm bạn. Cùng xa quê nên cả hai chúng tôi luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn; cảm nhận và thương yêu thật lòng bằng tấm chân tình, tình yêu thật sự nên có động lực cùng vượt qua khó khăn. Cả hai cảm thấy vui hơn khi ở đất khách quê người, có niềm tin trong lao động và cuộc sống”.
Xây dựng mái ấm
Về chung một nhà, nhiều anh chị TNCN xa quê dù còn sống trong phòng trọ nhỏ nhưng luôn quan tâm, lo lắng nhau; cùng lao động để có tiền vun vén gia đình và lo cho con cái. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (công nhân Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát), kể: “Lúc hai vợ chồng mới cưới không có tiền, của riêng gì nhiều. Dù còn khó khăn, không đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới nhưng thương nhau vì cuộc sống xa quê, cần nhau để nương tựa, tôi và anh ấy chào hỏi ba mẹ hai bên, sau đó làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vợ chồng sống cùng nhau mới cảm thấy căn phòng trọ ấm áp tình thương, mến thương. Từ đó, chúng tôi sớm chiều có nhau, không còn sợ cô đơn nơi quê người, chiều đi làm về, vợ chồng lại vui hơn bên mâm cơm phòng trọ”. Chị còn chia sẻ niềm vui trong năm qua là vợ chồng chị được Trung tâm Hỗ trợ TNCN và Lao động trẻ tỉnh hỗ trợ tổ chức lễ cưới tập thể dành cho những TNCN có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Lê Thị Bình (công nhân Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I), bày tỏ: “Làm công nhân xa quê phải ở trọ, cả ngày chỉ biết cặm cụi đi làm, tối về lại loay hoay việc nhà cho nên chúng tôi ít có thời gian nghĩ đến việc vun đắp hạnh phúc gia đình, cứ nghĩ điều đó to tát quá. Quen nhau, cưới nhau, sinh con, lo toan vất vả, đôi khi vợ chồng cũng xảy ra mâu thuẫn, nhưng chúng tôi luôn nghĩ đến việc ở bên nhau để cùng lo cho cuộc sống ổn định, yên tâm lao động. Hai vợ chồng luôn bảo nhau cố gắng vươn lên. Tình yêu trên quê hương thứ hai luôn là động lực để chúng tôi lao động và gắn bó xây dựng gia đình bền vững”.
NHƯ Ý