Nông dân Lê Văn Xuân: Thành công bằng mô hình nông nghiệp tổng hợp

Cập nhật: 26-08-2013 | 00:00:00

 Nông dân Lê Văn Xuân (xã Lai Uyên, huyện Bến Cát) đã có thu nhập cao từ việc xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, các loại vật nuôi, cây trồng mà ông đầu tư sản xuất đều hỗ trợ cho nhau rất tốt.

Nổi danh từ bò sữa

Không quá khó khăn để tìm ra nhà ông, bởi hỏi đến tên ông Xuân “bò sữa”, ngay cả những người dân ở các xã lân cận đều biết đến. Sở dĩ ông Xuân được người ta gọi bằng cái tên trên vì ông gắn bó với nghề nuôi bò sữa gần 20 năm nay, ông cũng là người tiên phong tại vùng đất nuôi bò sữa này.  

 Vườn mít của ông Xuân đang hứa hẹn tiếp tục cho thu nhập cao

Ông quê gốc Phú Thọ, độ tuổi gần lục tuần, có trên 24 năm gắn bó với vùng đất Lai Uyên. Năm 1991 ông cùng gia đình đến Lai Uyên để gầy dựng sự nghiệp mới. Ông tâm sự: “Khi đến đây, gia đình tôi có 8 nhân khẩu, vì vậy, vấn đề đầu tiên là làm sao bảo đảm cái ăn cho cả gia đình trước khi nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế. Cũng may là tôi được những anh, chị đi trước giúp đỡ mới có thể bám trụ được”. Vay mượn được một số tiền, ông mua 1,6 ha đất nhưng chỉ có 2 sào trồng điều, còn lại là đất hoang hóa với nhiều hầm, hố. Gia đình ông phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới cải tạo được. Do chưa xác định được loại cây trồng phù hợp nên ông cũng chỉ trồng mì, rau, nuôi gà như những người xung quanh. Năm 1994, ông Xuân bỏ 2 sào trồng điều để tập trung trồng tiêu kết hợp nuôi bò thịt. Sau đó ông bán đàn bò thịt và tập trung nuôi bò sữa.

Ông chia sẻ, từ việc nuôi bò sữa, thu nhập gia đình mới cải thiện hơn. Giai đoạn thịnh nhất, ông Xuân nuôi 17 con bò sữa. Có ngày đàn bò có thể cho đến gần 100kg sữa, giai đoạn sữa có giá cao, ông có nguồn thu đáng kể. Từ nguồn thu này, ông bắt đầu lo cho 4 người con được ăn học đàng hoàng, xây dựng nhà cửa khang trang. Ông cho biết, nhiều người lúc đó khuyên nên mua đất trồng cao su nhưng ông vẫn chỉ tập trung xây dựng mô hình đang có. Ngoài việc nuôi bò sữa, ông còn kết hợp với trồng rau, đào ao nuôi cá, nuôi gà. Khi sữa bò xuống giá, cộng với tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên ông thanh lý dần đàn bò sữa. Đến nay ông chỉ còn nuôi 6 con.

Hướng mở từ trồng mít

Cách đây 8 năm, ông Xuân bắt đầu mày mò trồng mít nghệ Thái. Ông phá bỏ một phần diện tích đất trồng cỏ nuôi bò để chuyển qua trồng mít. Tưởng chừng trồng chơi nhưng không ngờ ông lại “ăn thật”. Sau 3 năm, mít cho thu hoạch. Năm đầu, với 5.000m2 đất trồng 300 gốc mít, ông đã có nguồn thu trên 50 triệu đồng. Sang năm thứ 4, nguồn thu từ cây mít đã tăng gần gấp đôi. Ông Xuân cho biết, do tìm hiểu thị trường thấy cây mít có sức tiêu thụ mạnh nên ông trồng thử chứ không nghĩ lại có thu nhập khá như vậy. Do tự trồng nên tất cả các khâu từ làm đất, đào hố, chọn giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… ông đều làm theo cảm tính chứ chưa hề tham khảo qua các tài liệu hướng dẫn. Lúc đầu ông trồng với tỷ lệ 4m×4m (hàng cách hàng, cây cách cây 4m). Tuy nhiên, theo thời gian cây phát triển ông thấy tỷ lệ này là hơi dày, vì vậy ông đã tỉa bớt và hiện nay vườn mít của ông chỉ còn 150 gốc.

Cây mít một năm có 2 vụ, theo tiêu chuẩn thì mỗi vụ một cây chỉ nên để từ 5 - 7 trái, còn lại thì phải cắt bỏ để tập trung dưỡng những trái được chọn để lại. Trái mít đến lúc thu hoạch trung bình nặng 10kg, đặc biệt có trái nặng đến 20kg. Ông Xuân cho rằng trồng mít không khó, lại dễ thu hoạch, khi đến mùa có thương lái đến tận vườn thu mua. Cây mít cao đến 4m là có thể tỉa cành. Các loại sâu bệnh trên cây mít cũng rất dễ phòng trị. Trái mít nặng khoảng 1kg là có thể xịt thuốc và bọc bằng bao nilon để phòng trừ sâu hại cũng như các loại nấm. Hiện tại, ông sử dụng hệ thống tưới tự động bằng béc xoay và tận dụng phân bò để bón cho cây mít. Kinh nghiệm của ông là một năm cây mít chỉ cần bón 1 lần phân chuồng với trọng lượng 50kg/ gốc và 3 lần phân NPK, mỗi lần 1,5kg/gốc. Khoảng 3 năm nay, mít xuống giá nhưng ông Xuân hy vọng năm nay sẽ có nguồn thu lớn vì hiện nay giá mít đang ở mức cao (từ 9.000 - 17.000 đồng/ kg tùy theo chất lượng từng trái).

Ông Xuân cho hay, làm nông nghiệp hiện nay cần xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Cũng từ mô hình kinh tế tổng hợp của mình ông đã chăm lo cho cuộc sống gia đình, chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ. Trong thời gian tới ông sẽ tập trung thâm canh vườn mít, chăm lo tốt đàn bò để tiếp tục nâng cao thu nhập.

• CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên