Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020: Tăng cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp

Cập nhật: 18-07-2013 | 00:00:00

Đây là một điểm nhấn cơ bản trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm kỳ đầu tiên giai đoạn 2011- 2015 vừa được UBND tỉnh Bình Dương công bố. Quy hoạch và kế hoạch trên đã được Chính phủ xét duyệt từ Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ, đó sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đến năm 2020…

Cơ cấu đất phi nông nghiệp tăng mạnh, trong đó ưu tiên tập trung quỹ đất cho phát triển các KCN. Đến năm 2020, Bình Dương sẽ hình thành khoảng 37 KCN. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP 1

Đất nông nghiệp giảm dần

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, cơ cấu đất nông nghiệp của Bình Dương được điều chỉnh giảm đáng kể so với cơ cấu hiện trạng. Với tổng diện tích tự nhiên 269.443 ha, Bình Dương có hiện trạng đất nông nghiệp chiếm 208.403 ha, chiếm 77,35% cơ cấu sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp giảm xuống còn 174.480 ha, chỉ còn chiếm 64,76% trong cơ cấu. Cụ thể, với đất trồng lúa hiện trạng tính đến năm 2010, Bình Dương có 7.823 ha, chỉ tiêu quốc gia phân bổ phần khai diện tích này 6.000 ha, nhưng theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn 3.000 ha. Đất trồng cây lâu năm từ 179.277 ha giảm xuống còn 153.286 ha. Việc điều chỉnh diện tích đất nông nghiệp sẽ theo hướng giảm dần trong kế hoạch sử dụng đất ở 2 phân kỳ 2011-2015 và 2016- 2020. Trong phân kỳ đầu tiên đã được Chính phủ phê duyệt, diện tích đất nông nghiệp giảm tương ứng theo từng năm: 2011 (207.967 ha), 2012 (203.810 ha), 2013 (199.822 ha), 2014 (194.785 ha), 2015 (189.921 ha)…

Tuy nhiên, với việc điều chỉnh đất nông nghiệp giảm nhanh đến năm 2020 sẽ tạo ra sức ép cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Do vậy, để giải tỏa sức ép này, nền sản xuất nông nghiệp Bình Dương cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch để có thể gia tăng khối lượng nông sản trong sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững.

Đất công nghiệp, đô thị mở rộng

Đất phi nông nghiệp từ 61.006 ha, chiếm 22,64% cơ cấu theo hiện trạng tính đến năm 2010, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, sẽ tăng lên 94.963 ha, chiếm 35,17% cơ cấu sử dụng đất. Do xác định đến năm 2020, công nghiệp vẫn là ngành kinh tế động lực nên sẽ được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Tính đến năm 2010, toàn tỉnh có 27 KCN với diện tích 8.655 ha và 8 cụm CN với diện tích 594 ha. Đến năm 2020, dự kiến Bình Dương sẽ có 37 KCN và 8 cụm CN. Theo quy hoạch được duyệt, Chính phủ cho phép Bình Dương điều chỉnh tăng diện tích đất công nghiệp từ 9.249 ha lên 14.513 ha vào năm 2020. Theo đó, diện tích đất công nghiệp sẽ tăng dần tương ứng theo các năm trong 2 phân kỳ sử dụng đất đã được phê duyệt: Năm 2011 (9.249 ha), năm 2012 (9.749 ha), năm 2013 (10.773 ha), năm 2014 (11.473 ha) và năm 2015 (12.163 ha). Phân kỳ sử dụng đất tiếp theo sẽ được điều chỉnh và phê duyệt sau.

Theo định hướng đến năn 2020, Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với 6 quận và các thị trấn ở 4 huyện. Tỷ lệ dân cư đô thị của Bình Dương hiện chiếm khoảng 30% dân số, đến năm 2020 sẽ lên tới 85%. Theo đó, diện tích đất ở đô thị cũng được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng dần theo tốc độ đô thị hóa của Bình Dương, từ 4.293 ha lên 6.605 ha vào năm 2020. Tuy vậy, do dân số của tỉnh có sự chuyển dịch nhanh từ nông thôn sang thành thị nên nhiều điểm dân cư nông thôn sẽ chuyển thành khu dân cư đô thị và một số được tái định cư thực hiện các dự án phát triển cũng sẽ khiến đất ở đô thị tăng nhanh, đất ở nông thôn chuyển dần sang đất ở đô thị… Cũng theo quy hoạch của ngành xây dựng, đến năm 2020 sẽ phát triển thêm 123 khu dân cư với diện tích 13.540 ha. Với việc phân bổ đất dân cư như trên sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, tiền đề cho đô thị hóa mạnh mẽ tại các địa bàn phía Bắc, giảm áp lực về đất ở cho các vùng phía Nam…

Tăng cường diện tích đất cho giáo dục, y tế

Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, người dân nhập cư ngày càng nhiều vào Bình Dương đã tạo ra những áp lực rất lớn đối với lĩnh vực y tế và giáo dục, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trường học. Để giải quyết vấn đề này, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cũng đã tập trung điều chỉnh tăng thêm diện tích sử dụng đất cho 2 lĩnh vực này. Cụ thể, trên lĩnh vực y tế, từ nay đến năm 2020 cùng với việc nâng cấp, mở rộng diện tích các cơ sở y tế hiện hữu, Bình Dương sẽ xây mới 16 bệnh viện các loại, 8 trung tâm y tế, 14 phòng khám khu vực, 16 trạm xá. Theo quy hoạch, diện tích đất dành cho y tế đã được điều chỉnh tăng thêm 325 ha, từ 57 ha theo hiện trạng, lên 381 ha. Tương tự, diện tích đất dành cho giáo dục theo quy hoạch cũng được điều chỉnh tăng để giảm áp lực quả tải trường lớp và phát triển giáo dục theo tiêu chuẩn đô thị loại 1, từ hiện trạng 1.086 ha, tăng 778 ha lên 1.864 ha vào năn 2020.

Ngoài ra, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất phân kỳ đầu tiên, các phương án quy hoạch sử dụng đất trên các lĩnh vực như đất quốc phòng, an ninh, trụ sở cơ quan, văn hóa - xã hội, xử lý chất thải, giao thông, thủy lợi, năng lượng… cũng đã được tính đến.

Tập trung phát triển hệ thống giao thông

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Bình Dương cũng ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển hệ thống giao thông nhằm tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng đất cho xây dựng mạng lưới giao thông của Bình Dương đến năm 2020 sẽ khoảng trên 17.000 ha, tăng gần 8.000 ha so với hiện trạng.

Theo đó, Bình Dương sẽ xây dựng các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các tuyến đường huyện thành đường tỉnh; hoàn thiện các tuyến đường hiện có; kết nối các tuyến đường trục, vành đai trong khu vực; hoàn thiện mạng lưới đường đô thị, nông thôn, nội đồng. Về đường sắt, Bình Dương sẽ xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á và tuyến TP.HCM đi Mỹ Tho, Cần Thơ sẽ chạy qua địa phận Bình Dương; nâng cấp ga Sóng Thần lên thành ga hàng hóa lớn nhất miền Nam…

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản trong thời kỳ quy hoạch

Tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2011-2015 đạt 13,5% - 14% và tiếp tục được duy trì vào giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, đến năm 2015 cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp có tỷ trọng tương ứng là 59% - 38% và 3%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 63,2 triệu đồng, đến năm 2020 đạt khoảng 110 - 120 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4 - 4,5% hàng năm giai đoạn 2011- 2015 và 2,5 - 3,5% giai đoạn 2016-2020. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 19% - 20% giai đoạn 2011- 2015 và 16% - 17% giai đoạn 2016-2020. Giá trị sản xuất dịch vụ tăng bình quân 22% - 23% giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục duy trì cho giai đoạn sau.

 

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên