Sân chơi của trẻ thành chuyện người lớn

Cập nhật: 05-03-2012 | 00:00:00

Sự bức xúc của tình trạng mạo danh chương trình Đồ Rê Mí đi biểu diễn được đẩy lên cao khi tối 18-2, hàng loạt em nhỏ và phụ huynh tại Bình Dương đã bị Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ba Miền (Thanh Hóa) lừa dối, lật lọng một cách trắng trợn, từ vé vào cổng cho đến nội dung không đúng với các tiết mục đã quảng cáo cũng như đăng ký với cơ quan hữu quan trước đó. Điều đáng tiếc là vụ việc xảy ra ngay sau khi chính công ty này đã bị xử phạt ở Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai, cũng với các vi phạm tương tự.

Chiêu lừa đảo trên đi hết địa phương này đến địa phương khác, bức xúc được đẩy lên cao trào khi báo chí đồng loạt công kích và Đài Truyền hình Việt Nam - đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi Đồ Rê Mí phải lên tiếng. VTV khẳng định đến nay chưa hề tổ chức một buổi biểu diễn nào mang tên Đồ Rê Mí mà chỉ dừng lại ở cuộc thi phát sóng trên truyền hình. Ngoài thông tin cho biết hoàn toàn phát vé mời miễn phí cho khán giả đến xem các buổi ghi hình Đồ Rê Mí, VTV cũng cam kết đây là chương trình bản quyền của mình và sẽ làm rõ những trường hợp mạo danh, lợi dụng thương hiệu, tên chương trình để trục lợi. Điều đó có nghĩa, Đồ Rê Mí - VTV sẵn sàng bảo vệ uy tín của mình, đồng thời các trường hợp mạo danh, núp bóng “ăn theo” cũng có thể đối diện với các hình thức xử lý do vi phạm pháp luật.

 “Đánh” vào nhu cầu hưởng thụ văn hóa - văn nghệ ngày càng cao của nhân dân, thời gian qua không chỉ có “Ba Miền” với Đồ Rê Mí dỏm mà còn xuất hiện nhan nhản các trường hợp “treo đầu dê, bán thịt chó” khác trong tổ chức biễu diễn, thậm chí là các chương trình tên tuổi mà báo chí liên tục phản ánh. Ở địa bàn nông thôn, đông dân nhập cư còn có các tụ điểm ca nhạc bình dân quảng cáo rình rang dưới hình thức “đại nhạc hội”, có cả tên tuổi các nghệ sĩ nổi danh trong nước và hải ngoại, trong khi vé được bán với giá cực “bèo”. Tình trạng này không chỉ còn là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành “căn bệnh” mạo danh, núp bóng, lợi dụng tên tuổi khá phổ biến. 

Bao giờ công tác quản lý còn chưa sâu sát, chặt chẽ và đồng bộ thì vẫn còn tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” như vừa nêu. Một công ty kém uy tín cùng chương trình biểu diễn gây tai tiếng đã bị phản ứng qua nhiều nơi mà vẫn “lọt sổ” để tiếp tục được cấp phép đã thể hiện sự phối hợp quản lý chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một chương trình đã được xem là “bản quyền” nhưng vẫn cứ bị mạo danh, quảng cáo công khai thì sự “khó hiểu” ấy cũng cần được làm rõ.

Sân chơi cho trẻ em vốn dĩ là sân chơi hồn nhiên như tuổi các em vậy. Nó rất cần có tinh thần trách nhiệm cao của “người lớn” để không để xảy ra những “hạt sạn” không cần thiết, giữ cho những sân chơi ấy trong sáng và lành mạnh.

 Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên