Phát ngôn cần cẩn trọng

Cập nhật: 29-02-2012 | 00:00:00

Tuần qua, dư luận xã hội đã dành thời gian bình luận trước phát biểu của ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty A. khi họp báo vấn đề thương quyền phát sóng bóng đá; hầu hết đều cho rằng: ông ta đã có thái độ thiếu tôn trọng mọi người, lời lẽ khá “ngông”, mất thiện cảm! Dư luận cũng đang đòi hỏi cần làm rõ phát ngôn của một vị phó chủ tịch UBND thành phố H. khi ông này đã “khinh suất” phát biểu rằng: “Việc phá nhà ông V. là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên làm vậy. Nhiều người dân không đồng tình với việc làm của ông V. và một số tờ báo đã viết sai” (!?). Có vị thì cho rằng: “...cả nước chỉ có lao vào chuyện Tiên Lãng, không để ý phát triển kinh tế - xã hội; trong khi còn rất nhiều việc phải làm của đất nước Việt Nam này... Không cẩn thận, chúng ta sẽ vào một vòng xoáy do một âm mưu từ ở đâu đó” (NLĐ - 25-2). Xem ra, phát ngôn của người có chức quyền không dễ dàng chút nào; lời nói bây giờ đâu chỉ là “gió thoảng ngang tai, gió bay đi mất”!

Đối với người bình thường, chức năng không khiếm khuyết thì nói thành lời không khó; song tác dụng của lời nói trong cuộc sống chẳng hề đơn giản. Bởi lẽ “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” - một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo khó kịp! Thế nên, người có lòng tự trọng, người có chức quyền không thể nói ẩu, nói bừa, nói không thành có, nói một đàng làm một nẻo, nói xong lời lại nuốt lời... “Nói” đã được định danh là “phát ngôn” - luôn là công việc khó khăn, phải cân nhắc cẩn trọng; vì vậy, các tổ chức chính trị - xã hội thường cử ra người phát ngôn với quy chế hẳn hòi - chỉ thừa nhận những lời nói của người này mới có giá trị đại diện cho đơn vị, tổ chức ấy, tránh sự cố “họa từ miệng” mà ra. “Nói” là hoạt động năng động nhất của con người nhằm giao tiếp, bày tỏ quan điểm, sự hiểu biết... với cộng đồng. Tùy vào vấn đề, trạng thái, đối tượng... mà có cách nói tương thích nhưng trên hết vẫn là thái độ ứng xử nhất mực tôn trọng nhau, lời lẽ cầu thị, chân thành, nói những điều mà đối tượng quan tâm. Một lời nói khéo có thể xoa dịu cơn phẫn nộ, còn như ỷ thế buông lời ngạo mạn, vụng về có khi mang lại hậu quả khó lường.

    “Văn hóa phát ngôn” là kỹ năng quan trọng trong việc diễn đạt, thu phục nhân tâm, do vậy cần được rèn luyện sao cho trình bày ngắn gọn, rõ ràng, nhẹ nhàng, có tính thuyết phục cao. Tất nhiên “nói hay không bằng cày giỏi”, nhất thiết “nói phải đi đôi với làm”. Đây cũng là cách để nhận ra những kẻ giảo ngôn - có tài nói giỏi, nói hay mà làm dở; nói như rót mật vào tai, hùng hồn khi hứa hẹn... và cũng khéo léo khi đẩy đùn trách nhiệm cho người. Phát ngôn chẳng dễ nên cần phải thận trọng là điều không thừa; song không vì thế mà chẳng dám phát ngôn định hướng dư luận, làm đúng chức năng, trách nhiệm của mình. Suy cho cùng, đáng lo nhất vẫn là: “người biết mà không nói và người nói mà không biết”.

  THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên