Sàn giao dịch việc làm: Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động

Cập nhật: 14-09-2010 | 00:00:00

  Lao động đăng ký tìm vệc tại sàn việc làmĐã chính thức “trình làng”, sàn giao dịch việc làm (SGDVL) Bình Dương là kênh thông tin điện tử thông qua mạng internet và website đã giúp cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) tìm kiếm thông tin có liên quan đến việc làm, tuyển dụng một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả.

Bước đột phá

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, con người được xem là nguồn lực cơ bản nhất, cho nên vấn đề giải quyết việc làm cho NLĐ được đặt ra không chỉ là một yêu cầu cấp bách mà còn là vấn đề tổng thể của phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược về con người. Chính vì vậy, Bình Dương triển khai SGDVL là góp phần minh bạch thị trường lao động (LĐ) để người cần việc và việc cần người gặp nhau. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) hàng năm ở Bình Dương từ 40.000 - 50.000 lao động. Nhiều DN mở rộng xây mới và nhu cầu LĐ tăng trong tất cả các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp... Do vậy, tình trạng khan hiếm LĐ xảy ra ở hầu hết các ngành nghề tại Bình Dương. Đặc biệt vào cuối năm 2009, khi các DN có sự phục hồi sản xuất - kinh doanh, số lượng nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cao. Để cung ứng LĐ cho các DN, Bình Dương triển khai nhiều phương án cho việc thu hút lực lượng LĐ như: Thực hiện chương trình liên kết LĐ và UBND tỉnh cho phép mở SGDVL tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh Bình Dương. Qua một thời gian, SGDVL đã tạo bước đột phá mới cho giải quyết nhu cầu LĐ tại thị trường LĐ tỉnh Bình Dương.

Hiệu quả

Theo tìm hiểu, với nhu cầu tuyển dụng hàng nằm các DN ở Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng hơn 50.000 LĐ, trong khi đó, hàng năm Bình Dương giải quyết việc làm cho 40.000 LĐ và thông qua hoạt động giới thiệu việc làm, công tác xúc tiến LĐ chỉ chiếm dưới 30%. Như vậy, Bình Dương đã tạo nên một thị trường LĐ phong phú, đa dạng và hiện đang có chiều hướng mất cân đối khi cầu đã vượt mức cung. Để phát huy sự nhạy bén của thị trường LĐ trong thời kỳ hội nhập, sàn việc làm Bình Dương đã đi vào hoạt động và đạt hiệu quả; đã giải quyết cho nhu cầu LĐ của DN tại SGDVL là 15,4% nhu cầu LĐ của DN. Trong đó chia theo trình độ: Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề 90%, riêng LĐ phổ thông, sơ cấp nghề chỉ đáp ứng được 10%. “Việc thực hiện SGDVL đến nay đã đi vào chiều sâu, DN và NLĐ đã xem Trung tâm GTVL Bình Dương cùng với trang mạng: www.binhduongworks.com -www.vieclambinhduong.vn là nhịp cầu nối vững chắc nhất về tìm kiếm thông tin cho nhu cầu LĐ, nhu cầu tuyển dụng, thông tin ứng viên (NLĐ), thông tin DN tuyển dụng và các chính sách về LĐ và thị trường LĐ tại Bình Dương. Qua việc tổ chức SGDVL, trung tâm nắm bắt được nhu cầu DN hiện tại, sự thiếu hụt LĐ tại các ngành nghề đặc trưng (nhân viên văn phòng cao cấp, chuyên viên cao cấp, các vị trí kỹ sư điện, tin học; nhân viên quản trị văn phòng, quản trị mạng cấp cao...) và nhu cầu về LĐ phổ thông của các ngành nghề điện tử, may mặc, gỗ... Từ đó, tổ chức các hội thảo đào tạo ngành nghề phù hợp nhu cầu DN; giữa Trung tâm GTVL, Sở LĐ-TB&XH với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường nghề, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương: rút kinh nghiệm, ưu tiên đào tạo mũi nhọn các ngành nghề phục vụ nhu cầu DN Bình Dương, giải quyết nhu cầu trước mắt và lâu dài cho thị trường lao động Bình Dương”, Giám đốc Trung tâm GTVL Bình Dương Đặng Thị Ngọc Thiên Hương cho biết.

Những tồn tại cần sớm khắc phục

Qua kết quả thực hiện, có nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn cần tháo gỡ, giúp phát huy hết khả năng, thế mạnh SGDVL Trung tâm GTVL Bình Dương. Giám đốc Trung tâm GTVL Bình Dương Đặng Thị Ngọc Thiên Hương, thừa nhận hiện tại, do cơ sở vật chất còn tương đối hạn chế, các bảng quảng cáo, quảng bá thông tin DN còn chồng chéo lẫn nhau, chỗ nào trống thì thêm vào. Chưa có hoạch định từng nơi riêng biệt, mỗi nơi kiốt (dã chiến) là 1 DN riêng lẻ và các kiốt này nằm liên kết nhau; để có thể đưa các bảng quảng cáo DN, bảng nhu cầu tuyển dụng và kể cả trưng bày một vài sản phẩm sản xuất của DN, cho NLĐ hình dung hoạt động của chính DN mà mình có nhu cầu tìm công việc tại DN đó. Tại các SGDVL hiện tại, DN chỉ dừng ở mức độ sơ khảo và ghi nhận cho các vị trí tuyển dụng, chưa có quyết định chính thức vị trí công việc mà họ đang có nhu cầu. Tâm lý chờ đợi một lần phỏng vấn tiếp theo và sự lựa chọn vị trí công việc khác tại DN khác của NLĐ vẫn tiếp tục, mặc dù đã tham gia SGDVL trực tiếp. DN nước ngoài: nhu cầu DN tuyển dụng là rất lớn, nhưng thường không đáp ứng được vì các lý do: yêu cầu trình độ, kinh nghiệm làm việc, năng lực... của vị trí tuyển dụng quá cao, các ứng viên không thể đáp ứng được. DN không muốn đào tạo, chỉ muốn tìm NLĐ đã qua kinh nghiệm làm việc, vào làm được liền tại DN mình. Kéo theo sự chạy đua tiền lương để thu hút nhân viên từ các DN khác qua làm việc cho mình. Điều này, về lâu về dài rất nguy hại vì tâm lý không muốn đào tạo con người làm việc mà chỉ muốn sử dụng người làm việc. Khiến một bộ phận lớn sinh viên mới tốt nghiệp không thể tìm được việc làm và làm trái nghề là rất lớn. Tình hình khan hiếm LĐ phổ thông tại các ngành nghề dệt may, gỗ, điện tử... là rất lớn. Nhưng số lượng LĐ phổ thông tại các phiên giao dịch việc làm tại Bình Dương không đáp ứng được (vì có DN nhu cầu lên đến 1.000 - 2.000 LĐ phổ thông). Đa phần NLĐ đến SGDVL có trình độ trung cấp trở lên (kế toán, điện, điện tử, tin học...) nhưng hầu như kỹ năng mềm (khả năng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc) còn hạn chế, nên không tìm được công việc thích hợp cho mình; DN từ chối tuyển dụng, làm thành rào cản cho NLĐ và NSDLĐ khó gặp nhau. Sự kết hợp thông tin giữa các trường nghề, trường trung cấp, cao đẳng, đại học, Đoàn thanh niên... với sự kiện tổ chức SGDVL còn hạn chế.

Như vậy, giải pháp nào cho SGDVL trở thành Hội chợ việc làm thực sự hiệu quả? Cũng theo bà Hương, cần đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho Trung tâm GTVL tỉnh có địa điểm tổ chức SGDVL. Có nơi trưng bày sản phẩm sản xuất của DN, nơi quảng bá, quảng cáo thương hiệu của DN và các thông báo nhu cầu, vị trí tuyển dụng của chính DN đó. Đồng thời là nơi tuyển (phỏng vấn) LĐ trực tiếp. Khuyến khích DN đưa ra các hình thức phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến các bài tìm hiểu kỹ năng LĐ thực tế... để DN lựa chọn được ngay ứng cử viên cho vị trí mình cần tuyển và trả lời ngay cho ứng viên vừa tham gia phỏng vấn, mà không bắt NLĐ chờ đợi và phỏng vấn lần 2 tại DN. Tăng cường kết hợp việc tổ chức SGDVL giữa các cơ sở đào tạo nghề, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Khuyến khích DN tuyển người mới ra trường vào làm tại DN mình. Thông tin phản hồi từ phía DN về nhu cầu tuyển dụng cùng với các yêu cầu kỹ năng, trình độ chuyên môn mà các học viên, sinh viên mới ra trường còn thiếu. Để phản hồi lại cho các cơ sở đào tạo, các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học - phù hợp nhu cầu DN cũng chính là mục tiêu của sự nghiệp LĐ và việc làm hiện nay.

Được chính thức khai trương từ cuối tháng 7-2008, đến nay SGDVL Bình Dương đã tổ chức mở được 23 số phiên việc làm với 5.404 lượt DN tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng LĐ là 174.045, số lượng người tham gia trực tiếp 43.439 người, có 26.817 người được DN phỏng vấn trực tiếp và 736.950 người truy cập qua SGD trực tuyến.

 

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=552
Quay lên trên