Sáng mãi những địa chỉ đỏ

Cập nhật: 02-02-2013 | 00:00:00

Bài 1: Tiếp nối truyền thống “tiên phong”

Bài 2: Bình Nhâm - Chiến tranh đi qua, no ấm lại về...

Xã Bình Nhâm (TX.Thuận An) là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng. Nơi đây đã chứng kiến sự ra đời của 1 trong 3 chi bộ Đảng đầu tiên của địa phương và cả miền Nam lúc bấy giờ. Phát huy truyền thống vẻ vang hào hùng ấy, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Nhâm đang tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương Bình Nhâm ngày càng giàu đẹp.

   Hệ thống giao thông ở Bình Nhâm đã được xây dựng khá đồng bộ

“Chiếc nôi” của phong trào cách mạng

Các tài liệu lịch sử ghi nhận, Bình Nhâm là nơi xuất hiện các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng từ rất sớm. Năm 1928, Hội kín yêu nước ở Bình Nhâm ra đời với khoảng 10 người trong đó có những người sau này là linh hồn của các phong trào cách mạng như: Nguyễn Văn Tiết, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng… Sau khi thay đổi chủ trương hoạt động, hướng đến chủ nghĩa Mác - Lênin, Hội kín Bình Nhâm đã đi vào quần chúng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, phát triển lực lượng về mọi mặt. Từ nửa cuối năm 1929, thông qua hoạt động của các hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở đề pô xe lửa Dĩ An, đồn điền cao su Phú Riềng và của chi ủy Tân Việt Cách mạng đảng ở địa phương, chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu bám rễ vào một bộ phận tích cực của nhân dân xã Bình Nhâm. Từ tháng 3-1930, nhân dân Bình Nhâm đã hưởng ứng tích cực các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng và công nhân đề pô xe lửa Dĩ An. Tiếp theo là những cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thủ công lò chén, lò đường bùng nổ, lan rộng.

Những phong trào cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng để trực tiếp lãnh đạo quần chúng tiến lên những bước cao hơn. Đó là thời điểm chín muồi để Chi bộ Đảng Bình Nhâm thành lập. Ra đời trong cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ quyết liệt, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bình Nhâm đã kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng địa phương. Từ bước ngoặc trọng đại này, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Bình Nhâm đã bước sang trang mới, cùng với cả nước trải qua các phong trào cách mạng mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập tự do cho dân tộc, vùng đất Bình Nhâm, “thủ phủ” của cây trái đã phải gánh chịu nhiều tổn thất. Vườn cây ăn trái - thu nhập chính của người dân nơi đây luôn bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Bình Nhâm đã vượt qua khó khăn, kiên cường bám trụ chiến đấu cùng cả dân tộc, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chính quyền và nhân dân xã Bình Nhâm đã nhanh chóng bắt tay xây dựng lại quê hương sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá. Được sự giúp đỡ của cấp trên và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xã, Bình Nhâm đã trở lại là một vùng đất trù phú, là nơi hội tụ của người dân từ khắp mọi miền đất nước.

“Đổi thay nhiều lắm chứ!” - đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Rớt, nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư xã Bình Nhâm khi nói về vùng đất Bình Nhâm. Ông Nguyễn Văn Rớt là người lãnh đạo xã Bình Nhâm trong thời gian lâu nhất, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến năm 2010. Chính vì gắn bó với đất và người Bình Nhâm lâu như vậy nên ông hiểu tường tận những biến chuyển của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Bình Nhâm. Theo lời ông Rớt, trước đây bà con chỉ sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây ăn trái và chăn nuôi nhỏ. Còn bây giờ cùng với sự đổi thay của tỉnh, người dân có cơ hội phát triển kinh tế bằng nhiều ngành nghề khác nhau, có cả dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, trường học, y tế được đầu tư khá toàn diện. Những tuyến đường đất sình lầy đi lại khó khăn đã được thay bằng nhựa nóng, bê tông. Thậm chí cả những bờ mương bây giờ cũng rộng rãi cho xe máy, xe ô tô lưu thông dễ dàng. Quả như lời ông Rớt, bộ mặt của xã đã có rất nhiều đổi thay và trên thực tế không khó để nhận ra điều đó.

Phát huy truyền thống vẻ vang cách mạng hào hùng, Đảng bộ xã Bình Nhâm ngày nay luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng, đã và đang lãnh đạo nhân dân gặt hái nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, từng bước đưa địa phương phát triển ngày càng giàu đẹp. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm Lê Văn Hiếu cho biết, hiện cơ cấu kinh tế của xã tập trung theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ. Trước mắt, xã sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ quan trọng là xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện các bước để xã Bình Nhâm lên phường thuộc TX.Thuận An. Hiện địa phương đã thông qua quy hoạch phân khu đô thị Bình Nhâm với tỷ lệ 1/2.000 giai đoạn 2011-2015, 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này cũng đã được gửi để các ngành chức năng của TX.Thuận An thẩm định, góp ý, chỉnh sửa. Song song đó, xã cũng đã lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để hoàn thành các tiêu chí lên phường (dự kiến vào giữa năm 2013) xã Bình Nhâm đã được đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến đường giao thông. Riêng trong năm 2012, các tuyến đường BN83, BN19, BN49, đường ray xe lửa Dĩ An nối dài… đã được khởi công xây dựng, một số tuyến đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Về giáo dục, hiện đã có chủ trương xây dựng trường Tiểu học Bình Nhâm giai đoạn 2 với 15 phòng học và nhà đa năng có tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra trường Trung học Nguyễn Trường Tộ với 28 phòng cũng đã có kế hoạch xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

Để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra trong nhiệm kỳ 2011-2015, Đảng bộ xã Bình Nhâm sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng hoạt động của từng đảng viên trong Đảng bộ. Đi đôi với việc phát triển kinh tế - xã hội, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở từ xã đến ấp. Tập trung chỉnh trang đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ, qua đó ngày một nâng cao mức sống của người dân, cùng với thị xã và tỉnh xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

TRÍ DŨNG - HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên