Thị trường nhà đất 2012: Nơi giữ tiền nhàn rỗi an toàn trường

Cập nhật: 14-06-2014 | 12:06:57

Tiến sĩ (TS) Alan Phan (Việt kiều), Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai, cho rằng năm 2012 này sẽ đánh dấu khởi đầu của một chu kỳ mới và sẽ có nhiều thay đổi trong việc sở hữu tài sản, tạo nên một cơ hội tốt cho doanh nhân biết nắm thời cơ, như chu kỳ sau WTO...

TS Alan Phan kể: Ông có một người bạn chịu sức ép về việc phải giải ngân 100 triệu USD vào các DN Việt Nam đã tìm ông để nhờ cung cấp thông tin. Sau 9 tháng gặp lại, TS Alan Phan vô cùng ngạc nhiên khi thấy người bạn của mình đã bạc cả tóc, hỏi ra mới biết ông không thể tìm được đối tác nào hội đủ các điều kiện để rót vốn. Nhiệm vụ bất khả thi khiến ông này có nguy cơ bị sa thải”. TS Alan Phan nhấn mạnh: “Chúng ta không thiếu vốn mà chỉ thiếu những ý tưởng kinh doanh, những sản phẩm đặc thù và thiếu sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp”. 

Dự báo năm nay dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào thị trường BĐS tại Việt Nam                                                  Ảnh: T.L

Một câu chuyện khác cũng từ TS Alan Phan: “Năm 2000, sau cuộc khủng hoảng tài chính tại  châu Á, tôi qua Bangkok thăm các bạn cũ, trong đó có một đại gia về bất động sản (BĐS), từng được báo Forbes tuyên dương là tỷ phú đang lên của Thái Lan. Ông ta buồn rầu đưa tôi đi xem các công trình đang xây dựng dở dang của ông, từ những khu đô thị mới đến những tòa nhà thương mại văn phòng đầy tham vọng. Khắp nơi tại Bangkok những cơ sở bê tông cốt sắt dựng lên nửa chừng rồi bỏ hoang cho ấn tượng của một thế giới sau cuộc chiến nguyên tử. Vì khả năng và quan hệ, sau 10 năm, vị đại gia BĐS gần phá sản này đã phục hồi phong độ và hiện là một trong những công ty BĐS hàng đầu của Thái Lan. Đầu năm nay, tôi hỏi là bao giờ ông sẽ sang Việt Nam để đầu tư? Ông ta trả lời: “Cuối 2012. Lúc đó bong bóng sẽ nổ và tôi tha hồ lựa chọn những dự án với giá rẻ”. Tôi nghĩ chắc ông nhầm bong bóng BĐS của Việt Nam với nội dung cuốn phim Đại họa 2012. Chúng ta hãy chờ xem!”.

Theo TS Alan Phan, chúng ta có thể chắc chắn được vài điều: Nhà nước không muốn để cho bong bóng BĐS vỡ vì hậu quả nguy hiểm của nó trên nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Với quyết tâm ngăn chặn sự đổ vỡ của bong bóng, Nhà nước có thể đổ thêm số tiền lớn vào kênh BĐS, trực tiếp hay qua ngân hàng và kết quả sau cùng là tiến trình đi xuống sẽ bị chậm lại nhiều năm. Ngoài ra, nếu tỷ lệ lạm phát quá cao, đồng tiền mất giá trầm trọng, thì dòng tiền của tư nhân cũng có thể đổ xô về BĐS để giữ an toàn cho tiền nhàn rỗi.

Một yếu tố khác nữa là BĐS có một giá trị cá nhân do cảm xúc riêng biệt của người mua hay người bán. Trong các loại tài sản, BĐS thường đi đôi với sự yêu ghét dễ ảnh hưởng đến quyết định của mọi người liên quan. Một khu phố được nhiều người ưa thích qua những kỷ niệm quá khứ có thể đẩy giá thành lên 15 đến 40% cao hơn giá trị thực sự; một kiến trúc đặc thù có thể tạo dị ứng hay yêu mến tùy cảm quan cá nhân. “Nói tóm lại, khó có thể đo lường sự quyến luyến không lý giải này về BĐS và yếu tố này có thể giúp thị giá BĐS bền vững hơn!”, TS Alan Phan, kết luận.

Đồng tiền nhàn rỗi từ tư nhân vẫn khá dồi dào, nhưng sau khi thị trường BĐS đóng băng thì các nhà đầu tư bắt đầu chuyển tiền qua kênh đầu tư khác. Hiện nay, Nhà nước đang ngăn ngừa dòng tiền này đổ vào kênh vàng hay USD, nên chắc chắn sẽ có một lượng tiền quay lại đổ vào BĐS, nhưng với tâm lý đầu tư dè dặt để trông chờ triển vọng rõ ràng hơn của nền kinh tế.

THẢO VY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên