Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội

Cập nhật: 17-08-2021 | 08:22:56

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp, gây khó khăn đến chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các sở, ngành liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân.

 Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh: HTX Rau sạch Gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) tặng rau củ quả cho các địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh

Linh hoạt trong tiêu thụ

Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đạt những kết quả khả quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã gây không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đứng trước những khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất nông nghiệp đã chủ động tìm các giải pháp tháo gỡ, giảm thiểu thiệt hại thông qua việc tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đáng chú ý, nhiều HTX, DN, cơ sở trong tỉnh đã đẩy mạnh việc lập các nhóm Zalo, Facebook… để xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực.

Thời điểm cách đây khoảng 2 tháng, nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) có gần 100 tấn chuối già chuẩn bị thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có thương lái, DN đến thu mua. Trước tình hình này, người nông dân đã mạnh dạn thông qua kênh hội, nhóm Zalo, Facebook vận động người dân trên địa bàn đăng ký mua ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ số lượng chuối già nói trên. Với cách làm này, sản phẩm chuối của nông dân trong xã đã được tiêu thụ ổn định.

Trong khi đó, anh Lê Quốc Hải, Giám đốc HTX Rau sạch Gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết HTX đang sở hữu 3 nông trại sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 3 ha, sản lượng rau cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn rau/ngày, giá bán bình quân từ 20.000- 30.000 đồng/kg, tất cả đều mang thương hiệu “Rau sạch Gia đình”. HTX của anh cung cấp sản phẩm cho hơn 30 cửa hàng và DN trên địa bàn tỉnh. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX đã chủ động đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. HTX đã xây dựng kênh bán hàng trên các hội, nhóm Zalo, Facebook theo hình thức combo với tên gọi “Gánh rau của mẹ”; đồng thời liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh để sản xuất các mặt hàng thực phẩm và hợp tác với nhau trong mô hình “chợ thực phẩm di động” nhằm cung cấp sản phẩm đến với người dân…

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết ngành thường xuyên phối hợp các địa phương, các trang trại, HTX và DN nắm tình hình sản xuất, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các đơn vị. Đối với các cơ sở quy mô sản xuất lớn, nguồn hàng ổn định, phối hợp Sở Công thương kết nối tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… kênh phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Đối với các trang trại, cơ sở bị tồn hàng cục bộ do ảnh hưởng quy định vận chuyển hoặc đứt gãy kênh phân phối, kết nối với các điểm bán hàng bình ổn, lưu động do Sở Công thương phối hợp với các địa phương, các DN tổ chức.

Tăng cường liên kết

Để khắc phục những khó khăn, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp kịp thời thông tin về thị trường để các DN, HTX kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cũng như xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp theo diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp cùng các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp, đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ nguồn tiêu thụ, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản…

Theo ông Phạm Văn Bông, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các DN, HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp cần tập trung sản xuất theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có sản lượng lớn, giá trị sản phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời đa dạng phương thức kinh doanh từ truyền thống tới bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử; xây dựng các chuỗi liên kết và các phương án chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản…

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên