Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp: Nỗ lực chống dịch, duy trì sản xuất

Cập nhật: 17-08-2021 | 08:22:56

Là địa phương có quy mô công nghiệp lớn, liên kết mật thiết với các chuỗi sản xuất, cung ứng trong và ngoài nước, để không gián đoạn chuỗi cung ứng, không “đóng băng” sản xuất, các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) đang quyết tâm đồng hành cùng địa phương giữ vững “thành trì” chống dịch, nỗ lực sản xuất kinh doanh.

 DN trong các KCN đang quyết tâm đồng hành cùng địa phương giữ vững “thành trì” chống dịch, nỗ lực sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN VSIP II)

 Bảo đảm “vùng xanh an toàn”

Dịch bệnh bùng phát trở lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các KCN, các DN, khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, phải dừng sản xuất, chậm giao hàng, ảnh hưởng lớn tới đơn hàng xuất khẩu. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương số ca nhiễm tăng cao, xuất hiện ca nhiễm mới tại DN cũng như trong cộng đồng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, vẫn có rất nhiều DN tại các KCN của tỉnh đang nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng phương án duy trì sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.

Hiện tại, tuy đã được khoanh vùng, giãn cách, cách ly, nhưng các KCN trong tỉnh vẫn kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ, tỉnh đã đề ra bằng việc duy trì thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Tại KCN VSIP I, VSIP II hay KCN Bàu Bàng… hiện tại phần lớn các DN đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là sự nỗ lực lớn của chính quyền, ban quản lý các KCN và các DN trong việc nỗ lực bảo đảm “vùng xanh an toàn”, yên tâm sản xuất.

Đại diện Công ty TNHH KoLon Industries Việt Nam, (KCN Bàu Bàng), cho biết hiện công ty có khoảng 800 công nhân làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”. Để khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, đứng trước nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất khan hiếm, công ty vẫn đang nỗ lực hết sức để duy trì hoạt động, đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã được ký kết với các đối tác trong và ngoài nước. Đại diện DN này mong tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động (NLĐ) được đẩy nhanh. Khi tất cả NLĐ được tiếp cận vắc xin, được an toàn thì DN ở trong vùng dịch hay ngoài vùng dịch đều có thể yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, DN cũng mong lãnh đạo tỉnh xem xét thay đổi cách thực hiện “3 tại chỗ” linh hoạt hơn theo hướng phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể để DN có thể duy trì sản xuất trong mùa dịch, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, đến nay có gần 1.900 DN tại các KCN đã đăng ký sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” với tổng số lao động trên 273.000 người. Tuy vậy, đến thời điểm này có khoảng 200 DN xin tạm ngưng vì có F0 trong công ty hoặc không có nguồn nguyên liệu, đơn hàng không ổn định, NLĐ không chịu ở lại làm việc... Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hầu hết các DN đều gặp khó khăn, nhưng nhiều DN đã từng bước thích ứng, chủ động phòng chống dịch và không ngừng nỗ lực, sáng tạo hơn để duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho NLĐ. Từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh

Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ tiêm vắc xin cho công nhân tại các DN thực hiện “3 tại chỗ”. Chiến dịch tiêm vắc xin được tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, làm tới đâu chắc tới đó để tạo “vùng xanh” an toàn cho khu vực sản xuất tại các nhà máy, KCN. Những NLĐ sau khi được tiêm mũi 1 đều phấn khởi và bớt lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu của DN trong các KCN tỉnh đạt gần 17 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 11 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,25% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trong nước được 2.552 tỷđồng, tăng 56,77% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài được 2,03 tỷđô la Mỹ, tăng 249,62% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN VSIP II), công ty đã ngừng sản xuất 20 ngày do có 18 ca F0. Việc ngừng sản xuất là bất khả kháng để cơ quan chức năng truy vết, sàng lọc các trường hợp liên quan. Sau khi kiểm soát được tình hình, DN trở lại tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn tốt hơn trong tình hình mới. Mới đây, được sự đồng ý của Ban Quản lý các KCN tỉnh, công ty đã nối lại “3 tại chỗ” với hơn 500 công nhân từ ngày 9-8. Nếu tình hình an toàn, kiểm soát tốt thì công ty triển khai tiếp cho gần 4.000 công nhân tham gia “3 tại chỗ”.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, để bảo đảm việc thực hiện tốt 2 phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường, 2 địa điểm” theo đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục yêu cầu DN chỉ được tổ chức sản xuất khi bảo đảm toàn bộ NLĐ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khi phát hiện các ca F0 hoặc nghi nhiễm qua xét nghiệm phải tạm thời dừng ngay hoạt động sản xuất và thực hiện ngay phương án phòng, chống dịch theo quy định.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của DN, các DN trong các KCN của tỉnh đều có đơn hàng xuất khẩu, nhất là ngành dệt, may, chế biến gỗ... đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm các chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cùng với sự hỗ trợ về chính sách tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội; tiến hành tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các KCN... sẽ là điểm tựa vững chắc giúp DN ổn định, an tâm sản xuất, kinh doanh.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên