“Tích cực tìm kiếm thị trường, giúp doanh nghiệp thành viên tháo gỡ khó khăn...”

Cập nhật: 20-08-2012 | 00:00:00

Ngay sau Đại hội BIFA nhiệm kỳ II thành công tốt đẹp và bầu ra Ban chấp hành mới, PV. Báo Bình Dương đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi thân mật với ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA nhiệm kỳ II và được ông Thanh cho biết một số vấn đề như thành lập các tiểu ban, kết nạp thêm thành viên, hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường giúp các doanh nghiệp (DN) thành viên... nhằm xây dựng BIFA trở thành hiệp hội ngành hàng mạnh của khu vực. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Đảm nhiệm chức Chủ tịch BIFA nhiệm kỳ II, ông đã làm gì để củng cố tổ chức BIFA, thưa ông?

 - Sau hơn nửa tháng kể từ ngày Đại hội BIFA (26-7), Ban chấp hành BIFA đã họp, thành lập các tiểu ban, gồm: Phát triển hội viên, phát triển thị trường, ngân sách, đối ngoại với các cơ quan chính quyền địa phương, cũng như khách nước ngoài. Đồng thời với việc thành lập các tiểu ban là thực hiện công tác củng cố hiệp hội, phát triển hội viên mới. Đến nay, BIFA đã phát triển thêm hơn 10 hội viên mới, nâng tổng số lên gần 100 hội viên.

Đến nay, BIFA đã phát triển được gần 100 hội viên. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Sao Nam

- Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN xuất khẩu gỗ chắc chắn cũng gặp khó khăn. Ông đã có kế hoạch gì để hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu cho các DN hội viên?

- Để hỗ trợ thị trường, công việc trước hết là củng cố, tăng cường quảng bá thương hiệu cho các DN. Xác định trang website của DN nhằm giới thiệu sản phẩm, thế mạnh, tiềm năng hợp tác, đầu tư... và là bộ mặt của DN, chúng tôi đã hợp đồng bên thiết kế xây dựng website, quảng bá thương hiệu cho các DN hội viên. Đặc biệt, để quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, tôi đã đề nghị Cục, Trung tâm Xúc tiến thương mại thông báo các DN của BIFA tham dự hội chợ High Point tại tiểu bang North Carolina ở Mỹ sắp tới. Đến nay, BIFA Bình Dương có 5 DN là Hiệp Long, Bảo Hưng, Hoàng Nguyên, Tinh Hoa, Bình Phú đăng ký tham gia hội chợ này. Hiện chúng tôi đang tích cực sắp xếp hàng, chuẩn bị thật kỹ để tham gia hội chợ đạt hiệu quả cao.

Trước đây tôi cũng đã từng tham gia vào HAFA (Hiệp hội Chế biến gỗ TP.HCM), nay là Chủ tịch BIFA, tôi đề nghị Cục, Trung tâm Xúc tiến thương mại thông báo đến các DN của BIFA. hội chợ này được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mặt bằng gian hàng 30m2, giá trị 10.000 USD, DN tự túc tiền ăn ở, đi lại. Tôi thấy hỗ trợ cho DN tham gia hội chợ trên thế giới là hoạt động xúc tiến thương mại hữu hiệu nhất trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Vì qua hội chợ, DN có rất nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, thương hiệu, để khách hàng các nước trên thế giới biết nhiều hơn và liên hệ trực tiếp. Được như thế, sẽ có nhiều cơ hội về đơn hàng và giá cả. Nếu không tham gia hội chợ, DN xuất khẩu sẽ làm việc thông qua một công ty trung gian, sẽ giảm lợi nhuận.

- Theo ông, các chủ DN cần trang bị những gì khi “mang chuông đi đánh xứ người”?

- Theo tôi tiếng Anh rất quan trọng trong giao thương với các đối tác nước ngoài. Các giám đốc và nhân viên XNK cần phải có kỹ năng nói, viết, nghe, hiểu tiếng Anh. Đặc biệt là cần nắm chắc những thuật ngữ chuyên môn về kỹ thuật của ngành gỗ để có thể trao đổi trực tiếp, thảo luận, trả giá... sẽ tốt hơn rất nhiều nếu thông qua phiên dịch.

 

Đến nay, BIFA đã phát triển được gần 100 hội viên. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Sao Nam)

- Vừa điều hành hoạt động một hiệp hội ngành hàng, vừa là tổng giám đốc một DN, liệu ông có gặp khó khăn?

- Về mặt cá nhân, tôi sẽ cố gắng làm cầu nối giữa DN và chính quyền, các ngành chức năng có liên quan trực tiếp đến ngành nghề, hoạt động SXKD ngành gỗ, như hải quan, thuế, kiểm lâm... Trước đây, do thiếu cầu nối nên các cuộc họp không ai dự. Từ nay, tôi sẽ cố gắng giúp các DN trong hiệp hội nắm chắc và chấp hành tốt hơn các quy định, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, tôi sẽ chuyển tải những tâm tư nguyện vọng, phản hồi, kiến nghị của DN đến các ngành chức năng, để cả DN và ngành chức năng đều hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Nếu vì cái chung sẽ mất cái riêng, nếu tập trung lo việc chung, chắc chắn công việc riêng của DN sẽ bê trễ, nhưng tôi thấy vui vì đã có sự đóng góp cho cộng đồng DN gỗ. Cùng với việc cố gắng đưa BIFA trở thành hiệp hội mạnh của khu vực, tôi cũng sẽ cố gắng đưa công ty của mình tiếp tục đi lên. Chẳng hạn như trước đây thực hiện việc quảng bá... tôi đều làm một mình. Còn nay tôi vừa lo cho mình, vừa lo cho các hội viên. Thay vì đi hội chợ ở Mỹ một mình, tôi sẽ liên hệ với ngành chức năng thông báo cho các thành viên trong hiệp hội và huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để các hội viên có điều kiện tham gia. Thiết nghĩ, khi BIFA đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của địa phương, cho ngân sách Nhà nước, thì DN sẽ tự nguyện đăng ký tham gia hiệp hội, lúc ấy BIFA nghiễm nhiên sẽ trở thành hiệp hội ngành hàng mạnh cả về thế và lực.

- Xin cảm ơn ông.

BẢO ANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên