Tiềm năng phát triển kinh tế cảng

Cập nhật: 07-06-2012 | 00:00:00

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năng động nhất cả nước, với gần 30 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu, trong đó phần lớn các KCN đã lấp đầy diện tích, Bình Dương hiện đã trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước. Theo đó, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, việc hình thành và phát triển các cảng, bãi để thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tại Bình Dương cũng là một yêu cầu tất yếu... 

Tiềm năng phát triển kinh tế cảng tại Tân Uyên là rất lớn. Trong ảnh: Cảng Thạnh Phước, xã Thạnh Phước, Tân Uyên đã đi vào hoạt động

Khi nhu cầu vận chuyển cao

Hiện nay, trong quá trình vận chuyển hàng hóa khi xuất hoặc nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại Bình Dương chủ yếu vẫn thực hiện thông qua vận chuyển đường bộ, tỏa đi đến các cảng biển tại TP.HCM và Đồng Nai... Tuy nhiên, thực tế hệ thống hạ tầng giao thông tại các khu vực có cảng xuất nhập khẩu hàng hóa đang là mối quan ngại lớn. Tại TP.HCM, một cửa ngõ để các DN Bình Dương vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra khiến cho chi phí vận chuyển, chi phí thời gian của DN tăng lên rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh các DN đang thực hiện quản trị sát sao nhằm giảm chi phí đầu vào để đối phó với suy giảm kinh tế như hiện nay. Nhiều DN cho rằng, việc các công ty giao nhận (logistics) đang thực hiện các hợp đồng giao nhận hàng hóa thông qua vận chuyển đường bộ, làm khó DN là chuyện thường ngày. Thực tế, khả năng vận chuyển đường bộ chỉ có hạn, hệ thống giao thông đường bộ còn hạn chế, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của DN ngày càng cao thì việc DN gặp phải nhưng khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là điều khó tránh khỏi.

Trước tình hình đó, mới đây một số nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội phát triển bến cảng để thực hiện vận chuyển hàng hóa qua đường thủy. Cảng Thạnh Phước (Tân Uyên), một cảng đường sông cấp 3 đầu tiên của Bình Dương đã được hình thành. Ông Mai Hữu Tín, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U & I, một liên doanh của cảng này cho rằng, Bình Dương là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước trong khi cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của cả khu vực chưa phát triển đồng bộ, việc hình thành các bến cảng như Thạnh Phước sẽ giúp các cảng nước sâu tăng công suất tiếp nhận hàng hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho DN, giảm chi phí và thời gian vận chuyển; đồng thời giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ trung tâm. Ông Tín cũng nhấn mạnh, việc hình thành ngành kinh tế cảng không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Bình Dương theo hướng bền vững, mà còn làm thay đổi diện mạo của địa phương, thể hiện một tầm nhìn và quyết tâm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Điều kiện và cơ hội đầu tư

Khi phát triển kinh tế cảng tại Bình Dương, Tân Uyên đang là một địa bàn được các nhà đầu tư “nhòm ngó”. Với vị trí nằm ven sông Đồng Nai, giáp với tỉnh Đồng Nai; đồng thời theo quy hoạch chung của vùng, Tân Uyên đang được xem là một “cửa ngõ” mới của Bình Dương khi mà hệ thống cảng biển, cảng nước sâu được quy hoạch về Đồng Nai thì rõ ràng một tiềm năng phát triển kinh tế cảng tại đây là rất lớn, cơ hội đầu tư vào xây dựng các cảng vận chuyển hàng hóa cũng đang mở ra cho các nhà đầu tư biết nhìn xa trông rộng.

Còn theo tính toán, nếu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, trên sông Đồng Nai, từ Tân Uyên, với điểm xuất phát là cảng Thạnh Phước, đến cảng Đồng Nai chỉ mất 18km (1 giờ, 50 phút); đến cảng Cát Lái là 60km (7 giờ); đến cảng Sài Gòn là 65km (7 giờ 30 phút); đến cảng Hiệp Phước là 69km (8 giờ); đến cảng nước sâu Cái Mép là 110km (15 giờ)... Nếu tính toán về thời gian và chi phí vận chuyển, rõ ràng vận chuyển hàng hóa qua đường thủy đang có sự cạnh tranh tốt hơn so với đường bộ. Mặt khác, nếu xây dựng các cảng ở huyện Tân Uyên, nhà đầu tư vào cảng cũng nhìn thấy cơ hội để “hút” hàng hóa từ các KCN lớn của Bình Dương cũng như TP.HCM. Khoảng cách địa lý từ KCN Xanh Bình Dương, Nam Tân Uyên đến cảng Thạnh Phước chỉ có chiều dài 5km. Tương tự từ một số KCN khác đến cảng này như: VSIP 1, 2 (10km); Tân Đông Hiệp AB (10km); Kim Huy (10km); Phú Gia (10km); Đất Cuốc (10km); Đại Đăng (10km); Việt Hương 1 (15km); Đồng An 1 (15km); Sóng Thần 1, 2 (15km); Bình Chiểu (16km); Linh Trung 1 (16km); Sóng Thần 3 (17km)...

Hiện nay, cảng Thạnh Phước mới chỉ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 8 cầu cảng và khi hoàn tất giai đoạn 1, công suất bốc dỡ hàng hóa mới chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, một con số khiêm tốn đối với ngành kinh tế cảng. Tuy vậy, để phát huy tiềm năng kinh tế cảng tại Tân Uyên, theo ông Mai Hữu Tín, Bình Dương cần phối hợp với tỉnh Đồng Nai khai thông lòng sông Đồng Nai và nâng độ tĩnh không của cầu Ghềnh để xà lan từ 1.000 - 2.000 tấn có thể vào vận chuyển; đồng thời triển khai, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ tại nơi này, cụ thể là đường ĐT747 để hàng hóa giao dịch qua đường thủy tại các cảng thuận lợi.

THÀNH SƠN

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên