Tổng hợp tình hình bão lũ

Cập nhật: 01-10-2011 | 00:00:00

Tại Quảng Ninh, tính đến 17 giờ chiều 30-9, bão số 5 đã làm 300 ngôi nhà bị tốc mái, 10 tàu thuyền và 1 xà lan bị chìm và nhiều bè nuôi thủy sản bị vỡ.

>>Bão số 5 tàn phá Quảng Ninh

Khoảng 1.700ha hoa màu bị hư hại, nhiều cột điện và cột viễn thông đã bị đổ. Các đơn vị chức năng đã kịp thời di dời nhiều hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn. Đến nay, các sự cố mất điện đã được khắc phục.

  Tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều cây đổ trong gió bão gây nên thiệt hại về tài sản. 

Nam Định

Khi bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền, tỉnh Nam Định đã bị ảnh hưởng, nhưng do chủ động các phương án phòng chống nên thiệt hại do bão đã hạn chế tối đa. Trước đó, tỉnh Nam Định đã di dời 7.000 người ở ngoài đê tại 3 huyện ven biển sơ tán vào khu vực an toàn. Hàng nghìn chiến sỹ lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích đã tham gia chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học giúp dân.

Ninh Bình

Tại tỉnh Ninh Bình, công tác phòng chống bão số 5 và các phương án ứng phó với ảnh hưởng của bão được thực hiện khẩn trương, tích cực, tập trung cao độ tại trọng điểm vùng biển ở huyện Kim Sơn với trên 15km đê trực biển. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của hơn 900 hộ dân khu vực ngoài đê Bình Minh đã được bảo vệ an toàn.                                          

Hà Nội

Sau khi đi kiểm tra một số tuyến đường và khu vực có khả năng bị ngập úng do bão số 5 như Vĩnh Tuy, Mai Động, sông Kim Ngưu và trạm bơm Yên Sở, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề nghị các đơn vị liên quan bên cạnh việc xử lý khắc phục nhanh tình trạng ngập cục bộ, thì cần tính đến những giải pháp khả thi để giải quyết những tình huống phát sinh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đang tiến hành cải tạo hệ thống tiêu thoát nước, công trình ngầm cần hoàn tất công việc theo đúng kế hoạch, xong đến đâu hoàn trả mặt đường ngay đến đó.

Tình hình lũ ĐBSCL

Hôm qua, mực nước lũ tại ĐBSCL đang lên và tình trạng vỡ đê vẫn đang đe dọa 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. Hiện các địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chăn nguy cơ vỡ đê, bảo vệ diện tích lúa Thu đông cũng như hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại.

Tại tỉnh Đồng Tháp, một đoạn trên tuyến đê Bắc Viện bất ngờ bị vỡ, nước lũ tràn vào khu vực 10.000ha lúa thuộc xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Sau gần hai giờ, việc cứu đê đã thành công.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có gần 700ha lúa thu đông bị mất trắng, thiệt hại hơn 11 tỷ đồng, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đồng Tháp quyết định sẽ trích ngân sách hỗ trợ bà con có lúa bị ngập lũ theo Quyết định 142 của Thủ tướng chính phủ với mức 2 triệu đồng/ha, đồng thời tạm ứng thêm 6 tỉ đồng để các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự kịp thời gia cố đê bao.

Còn tại An Giang, hầu hết các tuyến đê xung yếu bao bọc 7 tiểu vùng sản xuất lúa thu đông trên diện tích hơn 4.000ha bị nước lũ phá vỡ mấy ngày nay đã được khắc phục. Riêng tuyến đê bao bảo vệ 320ha lúa ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành bị lũ tràn ngập thì không còn khả năng khắc phục.

Trước sức lũ tấn công mạnh, An Giang đã quyết định đóng cửa tạm thời hai đập Tha La và Trà Sư để bảo vệ hàng chục ngàn ha lúa còn lại. Giải pháp trên đã phát huy tác dụng. Để ứng phó tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sẵn sàng điều tiếp hàng ngàn cán bộ chiến sĩ từ các địa phương khác đến chi viện cho 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp ngăn chặn nguy cơ tiếp tục vỡ đê bao trên diện rộng.

Theo VTV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên