Trách nhiệm quản lý

Cập nhật: 23-05-2012 | 00:00:00

Có thể nói khủng hoảng kinh tế gây khó khăn chung cho nhiều quốc gia nhưng đối với Việt Nam lại có nhiều khó khăn đặc thù riêng, nguyên nhân của nó không chỉ là khách quan mà còn có cả chủ quan do tính dự báo và năng lực điều hành yếu kém, nền kinh tế Việt Nam đang trong thời điểm vừa lạm phát vừa giảm phát gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Những khó khăn khách quan thì dễ được mọi người cảm thông nhưng do chủ quan thì cần phải được mổ xẻ cặn kẽ nhất là trách nhiệm quản lý điều hành.

Mô hình xây dựng các tập đoàn kinh tế hùng mạnh làm đầu tàu cho các doanh nghiệp khác là hướng đi đúng, các quốc gia phát triển khác đã từng làm như vậy và họ đã thành công với những thương hiệu tiếng tăm toàn cầu, nhưng ở Việt Nam thì diễn biến giai đoạn đầu xem ra không suôn sẻ, các doanh nghiệp “đầu tàu” không thể hiện được mình, bị thua lỗ triền miên, chẳng những không hỗ trợ được nền kinh tế chung đang gặp khó khăn mà còn trở thành gánh nặng cho Nhà nước.

 Các tập đoàn, tổng công ty này được quá nhiều ưu ái từ việc giao vốn; tài sản; tài nguyên và sự thoải mái trong các thủ tục hành chính làm cho bộ máy phình ra; tiếng tăm cũng lan truyền nhưng thực lực lại đang là một nghi vấn khi chưa thể hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế; tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển... Giá năng lượng, than, điện, gas... liên tục được đề nghị tăng theo tiệm cận với giá thị trường quốc tế... vậy vai trò của các đơn vị được giao khai thác tài nguyên này của đất nước ở đâu? Khi mà lạm phát đang trầm trọng thì việc tăng giá đầu vào khác nào mồi lửa. Thậm chí có đơn vị được giao khai thác tài nguyên để bán mà cũng bị thua lỗ, kiểm tra đến đâu thì lòi ra đơn vị nào cũng có vấn đề, hàng ngàn tỷ đồng tiền Nhà nước mất trắng, cán bộ lãnh đạo quản lý làm ăn thua lỗ tạo gánh nặng cho quốc gia lại lên chức hay hạ cánh an toàn... Phải nghiêm túc đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý từ cấp cao nhất nếu không tình hình sẽ còn tồi tệ thêm.

Trong chương trình nghị sự của Quốc hội lần này có đặt ra vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có cơ cấu lại các  doanh nghiệp Nhà nước, đây là điều rất cần cho giai đoạn hiện nay, nhưng liệu rằng có làm được không khi việc này trước đây đã từng đưa ra, từng quyết tâm nhưng tình hình không mấy sáng sủa. Nguyên nhân của tồn tại thì có nhiều nhưng trong đó yếu tố con người là quan trọng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi cũng đã chỉ rõ sự ích kỷ cá nhân và lợi ích nhóm đang là căn bệnh nặng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người nhất là cán bộ đảng viên, trong kinh tế nó đang thao túng và tạo ra môi trường tham nhũng gây thiệt hại đáng kể cho quốc gia. Dù chúng ta có liệu pháp hữu hiệu nào đi chăng nữa nhưng cũng phải do con người thực hiện, ở đây đòi hỏi vai trò giám sát mạnh mẽ của Quốc hội và sự nghiêm minh trong điều hành của Chính phủ, phải cương quyết xiết chặt kỷ cương pháp luật thì mới mong làm thay đổi cục diện được, công tác quản lý điều hành ở các cấp phải được kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể theo đúng tinh thần Nghị quyết xây dựng Đảng. Nhân dân đang trông chờ vào các hành động quyết liệt để cải thiện tình hình sớm đưa đất nước vượt khó đi lên, không thể chỉ là bàn bạc nêu vấn đề rồi đâu lại vào đó.

Xà Cừ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=279
Quay lên trên