Những ngày qua, nếu bạn chú ý sẽ thấy cảnh tấp nập khác thường tại các chợ đầu mối, nhất là những chợ bán hàng rau, củ, quả và nhu yếu phẩm cần thiết. Đó là những chuyến xe tải đang đóng hàng để chở về miền Trung. Lũ lụt ngâm nước sâu liên tục cả nửa tháng nên rau củ ngoài đó chết sạch. Họ thiếu rau xanh. Thế là các chợ đầu mối ở 2 đầu đất nước trở thành nguồn cung ứng rau xanh cho bà con đang gặp khó khăn bởi thiên tai.
Một số tiểu thương tham gia ủng hộ cho các đoàn từ thiện của Bình Dương đang hướng về miền Trung cho biết có khi họ bị “làm giá” từ việc giao hàng chậm trễ, giá cao, chi phí vận chuyển tăng. “Đành rằng lụt lội thì đường bị sạt lở, đi lại khó khăn hơn nhưng nếu cái gì cũng đội giá lên như vậy thì cuối cùng bà con ngoài đó phải mua rau củ, nhu yếu phẩm giá cao hơn. Đây là điều chúng tôi băn khoăn vì người dân đã quá khổ rồi”, một tiểu thương chia sẻ như thế.
Có một vấn đề khác nữa mà những người bạn của tôi ở quê cho biết là sau khi xảy ra cảnh lụt lội, họ đã kết nối với các hội đồng hương gửi tiền về cứu trợ khẩn cấp. Cách làm của họ là bài bản từ việc thông qua chính quyền địa phương, kêu gọi sự trợ giúp của các trưởng thôn ấp, đoàn thể. Không ai hiểu người ở chính địa phương bằng những người như trưởng thôn, trưởng họ và các cơ quan đoàn thể ở địa phương. Chính lực lượng này sẽ đưa đoàn đến tận nhà để không chỉ tặng quà mà còn thăm hỏi, động viên nhau. Và người dẫn đường luôn là lực lượng dân quân, công an tại các nơi họ đến.
Thế nhưng có nhiều đoàn tự tổ chức đi, không có ai hướng dẫn nên xảy ra tình trạng bị làm giá khi thuê đò, ghe, ca nô đi cứu trợ. Thậm chí bị lừa gạt, ăn chặn tiền cứu trợ như báo chí, mạng xã hội râm ran trong mấy ngày qua. Tệ hơn, hiện có một số nhóm đi cứu trợ bà con miền Trung bị mắc kẹt giữa đường do mưa lũ, đi tiếp thì không được, trở về cũng không xong. Rồi chính bản thân họ cũng lâm vào nhiều nguy cơ rủi ro khi thời tiết còn diễn biến phức tạp. Chưa kể họ còn gây áp lực cho cơ quan chức năng tại địa phương phải lo thêm
Bạn tôi cũng nói rằng nhiều nhóm thiện nguyện mua đồ theo “cảm nhận” của nhóm mà không có sự liên lạc với người dân nơi định cứu trợ xem nhu cầu cần gì. Hậu quả là họ bị làm giá khi mua gạo, áo phao… rồi lên mạng than trời than đất!
Cung ứng thực phẩm nhanh là tốt, làm thiện nguyện là tốt, ai cũng muốn làm, nhưng cần có kế hoạch, phương án ứng phó trong điều kiện thời tiết bất lợi. Trong tình hình hiện nay, trên hết là phải bảo đảm an toàn và lấy nghĩa đồng bào làm trọng.
QUỲNH NHƯ