2018, người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được tăng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 141/2017/ NĐ-CP. Để hiểu rõ thêm về nghị định mới này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Ông có thể nói rõ hơn về đối tượng thuộc phạm vi nghị định quy định?
- Nghị định số 141/2017/ NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì đối tượng áp dụng gồm: NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp (DN) thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DN; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo HĐLĐ; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo HĐLĐ (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của nghị định này).
Lương tăng, công nhân lao động phấn khởi, tích cực làm việc
- Mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng cụ thể ở Bình Dương như thế nào, thưa ông?
- Theo nghị định, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở DN từ ngày 1-1-2018, như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng. Căn cứ theo nghị định thì Bình Dương có TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên thuộc vùng I, mức lương tối thiểu là 3.980.000 đồng/tháng. Huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc vùng II, mức lương tối thiểu là 3.530.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất để DN và NLĐ thỏa thuận, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong HĐLĐ và mức lương trả cho NLĐ phải phù hợp, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và tương quan hợp lý tiền lương giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại DN. Mức lương thấp nhất trả cho NLĐ đã qua học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề hoặc tự học nghề và được DN kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng (Ví dụ: Vùng I: Mức 3.980.000 đồng + (3.980.000 x 7%) = 4.258.600 đồng; Vùng II: Mức 3.530.000 đồng + (3.530.000 x 7%) = 3.777.100 đồng).
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN. Quá trình xây dựng, điều chỉnh thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động và công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện. Khoảng cách của các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng.
- Thưa ông, việc triển khai và thực hiện nghị định ở Bình Dương đã được triển khai ra sao và có khác gì so với các tỉnh, thành?
- Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tập huấn về việc triển khai và thực hiện nghị định trên cho các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia hội nghị gồm các chủ DN, lãnh đạo Ban chấp hành công đoàn và phụ trách về nhân sự của các DN. Đến nay, hầu hết các DN đã phổ biến công khai phương án điều chỉnh tiền lương đối với NLĐ. Đặc biệt, các tổ chức công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, thông báo cho NLĐ biết việc thực hiện điều chỉnh tiền lương của DN, nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị, thắc mắc, đề xuất của NLĐ, không để xảy ra mâu thuẫn về tiền lương dẫn đến tranh chấp lao động tập thể.
Khi DN điều chỉnh lương theo quy định của nghị định sẽ phát sinh 3 trường hợp: DN có thang bảng lương, DN chưa có thang bảng lương và số DN đã áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức mà nghị định quy định thì không bắt buộc phải điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các DN này bàn bạc trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để có khoản điều chỉnh lương phù hợp với mặt bằng chung. Chúng tôi khuyến cáo các DN nên làm rõ giữa việc nâng lương và điều chỉnh lương. Hai việc này phải được tách ra và thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch tránh tạo sự hiểu lầm cho NLĐ nhằm hạn chế những tranh chấp về lao động có thể xảy ra.
- Xin cảm ơn ông!
KIM HÀ