Từ phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo: Sáng kiến nhiều, hiệu quả cao

Cập nhật: 01-12-2011 | 00:00:00

Tích cực thực hiện phong trào thi đua, công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) trong tỉnh đã năng động trong việc sáng tạo, cải tiến phương pháp hoạt động, đem lại nhiều giá trị cho đơn vị, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.  

Thực hiện phong trào thi đua, CNVC-LĐ đã có nhiều đề tài, sáng kiến tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...  

 

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết những năm qua, tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới tác động, nhưng đời sống của CNVC-LĐ vẫn được cải thiện. Đó là nhờ các cấp công đoàn phối hợp với các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị cùng người sử dụng lao động phát động phong trào thi đua, tạo thêm động lực cho CNVC-LĐ hăng hái lao động và sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong SXKD.

Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một trong những phong trào điển hình. Tại các DN, thông qua hình thức đăng ký đề tài, đảm nhận thực hiện các công trình, sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thực hành tiết kiệm... đã thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia, nhất là các DN khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Hàng năm, trên 300 sáng kiến, cải tiến có giá trị, làm lợi cho DN hàng chục tỷ đồng như giải pháp “Cải tiến tiết kiệm điện”, giảm thất thoát điện năng tiêu thụ của anh Phạm Từ Thức, Công ty TNHH Esprita hay giải pháp “Cải tiến quy trình xử lý bụi nhám” của anh Nguyễn Đào Hơn, Công ty TNHH Rochdale Spear Việt Nam...

Trao đổi với chúng tôi, anh Hơn nói Rochdale Spear là công ty chuyên sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ, giả cổ cao cấp. Để bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động, anh đã suy nghĩ và nghiên cứu đề tài “Xử lý bụi nhám trong ngành gỗ”. Từ khi đề tài đưa vào thực tiễn, công ty không chỉ cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mà còn cải thiện được môi trường, điều kiện làm việc của công nhân lao động. Với sáng kiến này, anh được Ban giám đốc công ty khen thưởng và được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen và huy hiệu “Lao động sáng tạo”.

Anh Nguyễn Trọng Vinh, Công ty TNHH Scancom Việt Nam, cũng cho biết từ một công nhân trực tiếp sản xuất, anh đã trở thành nhân viên đào tạo kỹ thuật. Trong quá trình làm việc, anh đã có nhiều sáng kiến đề ra phương pháp và phương tiện dạy học, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo. Cụ thể như, mô hình giảng dạy “Vận hành và gia công trên máy lọng”, “Phương pháp khắc phục lỗi trên mối hàn TIG”, “Kỹ thuật đan”... Với ưu điểm là trực quan sinh động, dễ hiểu nên công nhân có thể thực hành, luyện tập ngay trên lớp, an toàn và tăng hiệu quả đào tạo; đồng thời giảm thời gian đào tạo, công nhân tham gia sản xuất sớm hơn.

Đánh giá hiệu quả phong trào thi đua, ông Nguyễn Văn Khương nhận xét: “Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã thu hút trên 85% số CNVC-LĐ tham gia đều khắp ở các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ CNVC-LĐ. Nhiều đề tài, sáng kiến với các giải pháp tối ưu đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần động viên, khuyến khích CNVC-LĐ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và tay nghề”.

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên