Ưu tiên vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội

Cập nhật: 09-12-2015 | 07:47:35

Trong chương trình làm việc ngày đầu tiên, kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII đã xem xét 18 báo cáo, tờ trình quan trọng. Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào nội dung các báo cáo, tờ trình.

Thu ngân sách vượt dự toán

Về thu ngân sách Nhà nước, báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế - xã hội là 36.000 tỷ đồng, đạt 110% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 106% dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 13% so với thực hiện trong năm 2014. Kết quả thu từ sản xuất, kinh doanh trong nước vượt dự toán HĐND tỉnh thông qua, trong đó nhiều khoản thu đều đạt và vượt dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 13.000 tỷ đồng, đạt 121% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 12% so với thực hiện trong năm 2014.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nghĩa tham gia phát biểu thảo luận về nội dung của các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trình bày báo cáo tình hình ước thực hiện thu, chi ngân sách năm 2015; dự toán thu, chi ngân sách năm 2016, ông Phạm Văn Hảo, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, năm 2015, nền kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển ổn định, dẫn đến nguồn thu ngân sách vượt dự toán được giao, từ đó có điều kiện bảo đảm dự toán chi đã được bố trí từ đầu năm, góp phần duy trì hoạt động của các cấp, các ngành, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2016, nền kinh tế được dự báo vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Căn cứ vào dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, dự toán ngân sách địa phương được tính toán lại cho phù hợp. Dự toán thu được thực hiện theo đúng các chính sách, chế độ ban hành. Chi ngân sách bảo đảm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng bảo vệ môi trường, tăng chi cho an sinh xã hội, bố trí dự trữ, dự phòng ở mức khá cao để chủ động xử lý các khoản chi cấp thiết phát sinh của địa phương. Trên cơ sở nguồn thu địa phương được hưởng theo phân cấp ngân sách của giai đoạn năm 2011-2015 và phải huy động một phần kết dư ngân sách để bảo đảm cân đối, dự toán thu - chi ngân sách năm 2016 được bố trí: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế - xã hội đạt 39.000 tỷ đồng, tăng 8% so với ước thực hiện năm 2015, tăng 3% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng chi ngân sách địa phương là 14.500 tỷ đồng, tăng 12% so với ước thực hiện năm 2015, tăng 16% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, tính đến ngày 15-11-2015, giá trị khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành là 3.540 tỷ 130 triệu đồng, đạt 70,8% kế hoạch; giá trị cấp phát là 3.681 tỷ 619 triệu đồng, đạt 73,6% kế hoạch. Ước khối lượng thực hiện đến ngày 31-12-2015 là 5.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Một số công trình quan trọng đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2015 và 2016 như: Trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn; đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, TX.Tân Uyên; đường ĐT747a… Nhiều công trình lớn đã khánh thành, đưa vào sử dụng nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X như: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn giai đoạn I, đường ĐT744, khởi công tuyến đường Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường ĐT743...

Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm, mục tiêu của kế hoạch đầu tư trong năm 2016 là tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm nhằm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh; từng bước bảo đảm các tiêu chí của đô thị loại I, góp phần đưa tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Theo đó, nguồn vốn sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình y tế, giáo dục góp phần bảo đảm an sinh xã hội; đầu tư các công trình cấp, thoát nước, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và các công trình dân sinh khác. Căn cứ thông báo số vốn đầu tư dự kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng nguồn vốn đầu tư công năm 2016 là 5.500 tỷ đồng. Đại biểu Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổ đại biểu TX.Dĩ An, cho rằng: “UBND tỉnh cần tập trung đầu tư và quản lý tốt hệ thống giao thông nhằm giảm tình trạng kẹt xe tại điểm giao thông, tránh tình trạng lãng phí, gây mất an toàn giao thông…”.

Đặt tên cho 115 tuyến đường

Báo cáo thẩm tra các dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội trình kỳ họp của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho thấy, thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng đô thị và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật được tỉnh quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện, trong đó có việc nâng cấp đô thị và được Trung ương công nhận như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên. Theo đó, một số xã được nâng cấp thành phường, thị trấn. Bên cạnh nhiều tuyến đường khu vực đô thị đã được đặt tên, vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được đặt tên hoặc đã có tên nhưng do người dân tự đặt đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính và các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội của tổ chức và cá nhân.

Để thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc…, việc trình HĐND tỉnh về đặt tên các tuyến đường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Dầu Tiếng là cần thiết và đúng thẩm quyền của HĐND tỉnh. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh đặt tên 115 tuyến đường. Qua xem xét, Ban Văn hóa - Xã hội nhận thấy trình tự, thủ tục đặt tên đường bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật như: Có danh mục tên đường, có bản thuyết minh tóm tắt tiểu sử, ý nghĩa từng tên đường dự kiến được đặt tên, bản đồ, kết cấu và quy mô; ý kiến của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai và ý kiến thẩm định của Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của tỉnh. Tên các nhân vật, địa danh, sự kiện, mỹ từ đều thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Chính phủ. Các tên đường đều mang ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của đất nước và địa phương; đồng thời bảo đảm xây dựng trên cơ sở quy hoạch đô thị, về cấp độ, quy mô và được sử dụng ổn định.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên