Việt Nam sau 6 năm gia nhập WTO: Thành công và những hạn chế

Cập nhật: 07-11-2012 | 00:00:00

6 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới liên tục biến động, phức tạp và khó lường, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng, tiềm lực và quy mô kinh tế tiếp tục tăng lên. Việt Nam đã bước ra khỏi tình trạng là một nước kém phát triển.    Hội nhập quốc tế giúp Việt Nam thu hút ngày càng nhiều các dự án FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của một DN FDI tại KCN Mỹ Phước (Bến Cát) Ảnh: TRỊNH BÌNH

Hội nhập đã phá được thế bao vây cấm vận, tạo được sự bình đẳng trong thương mại quốc tế. Hoạt động kinh tế đối ngoại, trong đó nòng cốt là ngoại thương tiến bộ rõ rệt. Thị trường được rộng mở tới gần 149 nền kinh tế thành viên. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng và năm sau luôn cao hơn năm trước. Mặc dù là lĩnh vực nhạy cảm, nhưng khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ đối ngoại, phát triển cả về chiều rộng và bề sâu. Nhiều loại hình dịch vụ mới được mở mang. Một số ngành công nghệ mới, công nghệ cao đã được đầu tư và phát triển. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cơ cấu lao động cũng chuyển biến tích cực, giảm dần lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng dần khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Hội nhập thúc đẩy tiếp thu khoa học kỹ thuật công nghệ mới, kỹ năng quản lý tiên tiến, đào tạo được đội ngũ cán bộ và quản lý kinh doanh năng động hơn. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm cạnh tranh. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập và ngày càng hoàn chỉnh. Các yếu tố thị trường và các loại hình thị trường tiếp tục hình thành và phát triển. Cơ chế chính sách thông thoáng, đầy đủ, đồng bộ, môi trường kinh doanh được cải thiện.

Thực hiện nghĩa vụ thành viên theo đúng các cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành mạnh mẽ cải cách chính sách kinh tế - thương mại theo hướng minh bạch và tự do hóa. Việc cải cách thể hiện ở các cam kết về pháp luật và thể chế hành chính, mở cửa thị trường nội địa. Cộng đồng quốc tế thừa nhận Việt Nam là thành viên mới năng động, nhiều triển vọng.

Sức ép và hạn chế

Gia nhập WTO, Việt Nam có nhiều cơ hội và đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, gia nhập WTO, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức, trở ngại. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa cao; năng lực cạnh tranh của hàng hóa ở cả 3 cấp quốc gia, ngành hàng, DN còn kém; giá thành sản phẩm còn cao, phẩm cấp thấp so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp.

Tháng 7-1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Tháng 7-1999, Việt Nam ký Hiệp định hợp tác với Cộng đồng châu Âu (EC). Ngày 15-12-1995, Việt Nam chính thức tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tháng 3-1996, Việt Nam cùng với 9 nền kinh tế châu Á và 15 nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu, là những sáng lập viên Diễn đàn kinh tế Á - Âu (ASEM). Ngày 18-11-1998, Việt Nam trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tháng 7-2000, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), có hiệu lực từ tháng 12- 2001 - mở toang cánh cửa để Việt Nam gia nhập WTO.

Gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện những cam kết, những thỏa thuận đã ký trong những hiệp định thương mại song phương, đa phương, cũng như các quy chế của WTO. Trong khi đó, cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ cũng là khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập. Do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, nên không ít DN Việt Nam chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản, đồng thời còn lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ. Việc mở cửa thị trường trong nước chưa được tiến hành song song với việc thiết lập hàng rào kỹ thuật hiệu quả để ngăn chặn những bất lợi, rủi ro từ bên ngoài.

Yêu cầu cải cách thể chế thương mại cũng đang đặt ra những sức ép không nhỏ. Việc cải cách thể chế của Việt Nam theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư vẫn chưa khắc phục được nhược điểm thiếu tính hệ thống, thiếu minh bạch và thiếu ổn định. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý vĩ mô, quản trị sản xuất, kinh doanh và thực hành trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương còn bất cập so với yêu cầu trình độ khu vực và quốc tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế là trở ngại lớn trong việc tiếp nhận các dự án FDI công nghệ cao.

Định hướng tương lai

Nhằm khai thác những lợi thế và cơ hội cũng như hạn chế rủi ro, thách thức từ WTO, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đi đôi với việc cải cách hành chính, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống chính sách, bộ máy và cơ chế quản lý; tiếp tục hoàn thiện các yếu tố kinh tế thị trường, các loại hình thị trường, để được công nhận có nền kinh tế thị trường trước thời hạn 31-12- 2018; đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo với chiến lược dài hạn nhằm xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của bộ máy quản lý đa năng và chuyên nghiệp hóa.

Tiếp tục phát huy lợi thế xuất khẩu với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về các rào cản, tăng năng lực giải tỏa các rào cản; xây dựng hàng rào kỹ thuật để quản lý nhập khẩu chặt chẽ, không trái với định ước quốc tế; cập nhật thông tin, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo kinh tế, thương mại.

H.NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên