Vĩnh biệt một người thầy! (Vô cùng thương tiếc chú Nguyễn Xuân Vinh)

Cập nhật: 23-11-2015 | 08:46:28

Tin chú Nguyễn Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bình Dương; nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé- Bình Dương; nguyên Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh Sông Bé; nguyên Phó Trưởng ty Giáo dục Sông Bé đột ngột ra đi làm bàng hoàng biết bao người, trong đó có chúng tôi-những người chú coi như con cháu trong gia đình. Bàng hoàng là bởi cái tình của chú đối với chị em chúng tôi như là người thầy, người anh kính mến; là người đi trước luôn mong mỏi cho thế hệ đi sau như chúng tôi sớm được “an cư” ở đất Bình Dương.

Chú Nguyễn Xuân Vinh (thứ 7, từ phải qua), Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bình Dương trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học Ảnh: A.SÁNG

Phải giữ cái tâm trong sáng

Sau ngày chú Nguyễn Xuân Vinh (chú Bảy Vinh) nhận quyết định nghỉ hưu, chú cháu chúng tôi vẫn thường xuyên gặp mặt, chuyện trò cùng nhau. Tôi đưa con đi học, còn chú Bảy Vinh thì đưa cháu ngoại đến trường. Niềm vui của tuổi xế chiều đối với chú có lẽ chỉ cần thế là đủ. Gặp mặt những đồng nghiệp như em cháu trong nhà, thỉnh thoảng chú nói về chuyện nghề cho vơi đi nỗi nhớ! Biết thế nên những khi đón con trai gặp chú đi đón cháu ngoại, tôi luôn nấn ná lại sân trường trò chuyện cùng chú. “Con nhỏ này, viết lách vẫn ngon lành nha! Đừng chán, đừng bỏ. Nghề viết hay lắm, ráng theo nghe con!”. Đó cũng là câu nói quen thuộc chú thường dặn dò mỗi khi trò chuyện cùng tôi.

“Một khi đã chọn nghề thì phải dấn thân. Làm báo phải luôn giữ cho được cái tâm trong sáng, đừng để vật chất cám dỗ mà bẻ cong ngòi bút, đừng mượn danh nhà báo để vụ lợi cá nhân...”

(Chú Nguyễn Xuân Vinh)

Với vợ chồng tôi, chú Bảy Vinh còn là ân nhân khi chú nhận chúng tôi về Báo Bình Dương. Ngày mới về báo tôi đã rất lạ lùng bởi cách đối xử chân tình của chú. Lạ lùng là bởi gặp chú ở cơ quan, trong khi tôi khép nép vì ngại tiếp xúc với thủ trưởng thì chú lại xoa đầu và hỏi thăm tôi như hỏi một đứa cháu gái xa quê trở về nhà: “Nhuận bút đủ sống không con? Ráng lên nghe!”. Không cầu kỳ bày vẽ, không kiểu cách theo kiểu “sếp-lính”, hầu như với ai chú cũng chân tình, cái tình của một người thầy đáng kính! Khi nghe chúng tôi mua được đất, cất được nhà và tạm an cư, vẫn là chú làm tôi ngạc nhiên: “Chúc mừng tụi con nghe. Mấy đứa con có được cái gì là chú mừng cho mấy đứa cái đó”. Chơn chất, mộc mạc nhưng với chúng tôi những lời động viên của chú là liều thuốc quý để chúng tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Chú bảo chúng tôi có được căn nhà đồng nghĩa với việc đã tìm được quê hương thứ hai của mình, nên ráng làm việc để chứng minh một điều rằng, chú đã có chút thành công trong “dụng nhân…”.

Là nhà giáo trước khi làm báo nên đôi khi chú nói như giảng bài. Chú dặn, nghề viết không đơn giản, người cầm bút cái tâm phải vững vàng, trong sáng. Có vốn liếng 10 phần, chỉ nên viết 7- 8 phần thôi. Cái gì cũng chừa lại để làm vốn, để còn có đường “ăn nói với người ta” nếu bài viết của mình vô tình làm cho ai đó hiểu chưa đúng. Và nữa, người làm báo phải viết đúng, viết trúng, trước khi viết hay. Phải luôn tự hào về nghề nghiệp của mình, không được nản!

Còn nhớ trong dịp mừng Ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 năm nay, tôi đến phỏng vấn chú cho loạt bài về những nhà báo cách mạng của Bình Dương, chú cháu đã chuyện trò thật vui. Lần đó chú nói: “Đố con biết tên chú (và cả bút danh) có nghĩa là gì? Người cầm bút trước tiên phải định danh, sau đó là sống, viết với cái danh mình đã định! Đừng viết điều gì trái lương tâm, đạo đức của một nhà báo và phải biết tôn trọng con người”. Cũng trong lần chuyện trò về nghề đó, nói về bút danh, chú Nguyễn Xuân Vinh, cười nói: “Hồi mới vô rừng, chú thường xuyên gặp một người anh được mọi người gọi là thầy giáo Cương. Viết báo ông ấy lấy bút danh là Hoàng Xích Thanh, tức 3 màu vàng - đỏ - xanh của cờ giải phóng. Thấy thầy giáo Cương lấy bút danh có ý nghĩa nên chú cũng tìm cho mình một cái tên có ý nghĩa. Chú lấy tên Nguyễn Xuân Vinh là mong muốn quê hương mình, đất nước mình mãi mãi là mùa xuân vinh quang, thống nhất, độc lập. Và cái tên đó đã theo chú đến nay”. Chú còn dặn: “Một chữ, một câu cũng bao hàm ngữ nghĩa sâu xa của nó nên người làm báo phải cân nhắc thật kỹ khi viết. Nghề này đừng mong hết vất vả, nhưng niềm vui, hạnh phúc khi mình viết được nhiều điều hay cũng thật thú vị…”

Chú Nguyễn Xuân Vinh (trái), nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Bình Dương chủ trì buổi họp mặt nhân Ngày thành lập Báo Sông Bé Ảnh: X.LỘC

Không chỉ với vợ chồng tôi, mà tất cả các anh chị từ thời Báo Sông Bé, khi nói về chú Bảy Vinh đều trân trọng, nể phục. Những anh chị đi trước kể, ngày ấy kinh tế còn khó khăn, đời sống của người làm báo còn lắm vất vả, nhưng chú Bảy Vinh thường khuyên một khi đã chọn nghề thì phải dấn thân. Chú thường nhắc nhở, làm báo phải luôn giữ cho được cái tâm trong sáng, đừng để vật chất cám dỗ mà bẻ cong ngòi bút, đừng mượn danh nhà báo để vụ lợi cá nhân. Những lời giáo huấn của chú là bài học quý để thế hệ chúng tôi, những người làm Báo Bình Dương hôm nay rèn giũa phẩm chất, đạo đức và từng bước trưởng thành. Cũng nhờ những lời giáo huấn ấy của chú Bảy Vinh và các thế hệ lãnh đạo tiếp nối sau chú, mà Báo Bình Dương đã và sẽ cố gắng không để xảy ra những điều tiếng “mượn danh nhà báo” như lời chú dặn.

Mãi mãi là người thầy đáng kính

Rời nhiệm sở mười mấy năm là mười mấy năm chú Bảy Vinh quay sang giúp đỡ học sinh nghèo với những hoạt động cụ thể. Âu cũng là cái nghiệp của một người thầy với cái tâm mong mỏi mọi trẻ em nghèo đều được đến lớp. Còn nhớ vào ngày 6-11 vừa qua, tại lễ trao học bổng “Tiếp sức em đến trường”, giọng chú vẫn còn khỏe lắm, dáng đi còn nhanh nhẹn lắm. Chú nói: “Sự đóng góp tích cực, kịp thời của các tổ chức, cá nhân đã giúp học sinh nghèo hiếu học thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, tạo đà đi lên của xã hội. Đối với học sinh, các cháu hãy nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức để xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của các nhà tài trợ”.

Ngay sau khi về hưu vào năm 2003, chú Bảy Vinh tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng một chức danh mới, công việc mới gắn với cái tâm của một người thầy. Tại Đại hội Hội Khuyến học nhiệm kỳ I (2003- 2008), chú được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ II (2009-2014). Ở vai trò mới, chú Bảy Vinh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước. Cũng từ đây, Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển rộng khắp. Hiện nay, 9/9 huyện, thị, thành phố và 91/91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được Hội Khuyến học. Con số 730 Chi hội Khuyến học trường học và 167 Ban Khuyến học đã ít nhiều nói lên công sức của chú Bảy Vinh kể từ ngày về hưu và bắt tay xây dựng hội. Với uy tín của mình, hàng năm chú Bảy Vinh và Ban Chấp hành Hội Khuyến học đã vận động các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí để trao tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học vào các dịp đầu năm học mới và lễ, tết. Từ năm 2003 đến giữa năm 2015, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 352 tỷ đồng để trao học bổng, tặng quà, kịp thời khen thưởng học sinh, giáo viên giỏi với số tiền trên 240 tỷ đồng.

Khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc. Mỗi hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh Bình Dương đều có dấu ấn của chú Bảy Vinh. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chú Bảy Vinh, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học trong tỉnh đã phát triển mạnh và lan tỏa rộng khắp. Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 65.890 gia đình được công nhận gia đình hiếu học và 95 dòng họ được công nhận là dòng họ hiếu học, 15 đơn vị đạt danh hiệu cộng đồng khuyến học. Ngoài ra, Hội Khuyến học tỉnh còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhân cách của một nhà giáo hòa quyện với cái tâm, bản lĩnh, cái tình của người làm báo đã tạo nên nét riêng ở chú Bảy Vinh. Cái riêng ấy của chú đủ để chúng tôi, thế hệ tiếp nối của Báo Bình Dương phải học tập, noi gương.

QUỲNH NHƯ - ÁNH SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên