Vĩnh biệt nhà báo Võ Hòa Nhân!

Cập nhật: 12-02-2014 | 00:00:00

Tin buồn

Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Bình Dương và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Nhà báo VÕ HÒA NHÂN (bút danh Hòa Nhân)

Sinh ngày 18-12-1977, quê quán: ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên Báo Bình Dương, do lâm bệnh nặng, đã từ trần lúc 21 giờ 30 phút, ngày 11-2-2014, nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, hưởng dương 38 tuổi.

Lễ nhập quan lúc 23 giờ 45 phút ngày 11-2-2014 (nhằm ngày 12 tháng giêng năm Giáp Ngọ).

Linh cữu quàn tại nhà riêng: ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Lễ động quan lúc 11 giờ ngày 16-2 (nhằm ngày 17 tháng giêng năm Giáp Ngọ; an táng tại Nghĩa trang gia tộc, ấp Phú Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

 

Được tin đồng chí Võ Hòa Nhân từ trần, Đảng ủy, Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, biên tập viên, phóng viên, công nhân viên Báo Bình Dương xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến đồng chí Võ Hòa Nhân.

BÁO BÌNH DƯƠNG

 

(BDO) Những ngày vừa qua, cơ quan Báo Bình Dương và những người quen biết đã chia sẻ nhau từng thông tin liên quan đến tình hình sức khỏe của nhà báo Võ Hòa Nhân. Tất cả cùng cầu mong Nhân sớm chiến thắng được căn bệnh nan y để sớm quay lại sát cánh cùng các đồng nghiệp trên mặt trận tuyên truyền; tiếp tục là người con hiếu thảo, người chồng, người cha trụ cột của gia đình nhỏ với 2 đứa con thơ dại… Nhưng, tất cả đã trở thành quá muộn khi nhà báo Võ Hòa Nhân trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời còn quá trẻ với bao dự định còn ở phía trước…

  Nhà báo Võ Hòa Nhân (bìa trái) và đồng nghiệp trong một lần tác nghiệp tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng

21 giờ 30 phút ngày 11-2 (nhằm ngày 12 tháng giêng năm Giáp Ngọ), nhà báo Võ Hòa Nhân đã trút hơi thở cuối cùng để lại bao thương tiếc cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp do lâm bệnh ngặt nghèo. Căn nhà ba gian - nơi để quan tài của nhà báo Võ Hòa Nhân bỗng chốc chật cứng trong đêm 11-2 và rạng sáng 12-2. Bà con dòng tộc, bạn bè, đồng nghiệp khi hay tin Nhân được đưa về nhà, ai cũng hối hả vào thăm và nhìn mặt Nhân lần cuối.

Ai cũng tiếc thương, ai cũng nhớ về Nhân với biết bao kỷ niệm trong nghề. Phóng viên Lâm Ngọc Hậu, người bạn cùng lớp đại học với Nhân từ TP.Hồ Chí Minh chạy lên đã nén bao cảm xúc của mình khi chứng kiến giây phút Nhân trút hơi thở cuối cùng. Nhân lâm bệnh ngặt nghèo, về cõi vĩnh hằng ở tuổi 38 quả thật là một bất ngờ và mất mát lớn cho gia đình, bàn bè, đồng nghiệp.

Gia đình nhớ đến Nhân là người con, người cháu, người chồng, người cha gương mẫu, bạn bè nể phục Nhân là người sống nghĩa tình, chân thật, đồng nghiệp thì nhớ đến Nhân là một người ngay thẳng, chất phác, một phóng viên xông xáo và hết lòng với công việc. Mới đây thôi, khi hay tin bạn đọc cung cấp, một mình Nhân đã băng qua rừng cao su khu vực ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng để đến hồ Cần Nôm thơ mộng phanh phui vụ án ngược đãi lao động tại một cơ sở xẻ gỗ.

Sau đề tài phát hiện của Nhân, đồng nghiệp vào cuộc tiếp sức, báo chí cả nước cũng vào cuộc phanh phui ra một cơ sở ngược đãi lao động ít thấy từ trước đến nay tại tỉnh Bình Dương. Trong loạt bài này, Nhân đã binh vực lẽ phải và trả công bằng cho những người lao động thấp cỏ bé họng, được dư luận xã hội, đồng nghiệp, cơ quan chức năng đánh giá rất cao.

Nhiều bà con nông dân ở 2 ấp Cà Tong, Thanh Tân - nơi Nhân có loạt bài viết đầu tiên phanh phui về cở sở xẻ gỗ của ông Trần Tấn Phong ngược đãi lao động, khi hay tin chúng tôi thông báo “Nhân đã đi rồi”, ai cũng bàng hoàng, sững sờ. Vẫn biết cái chết của Nhân là khó tránh khỏi, “mệnh tại trời”, nhưng ông Võ Văn Đức (cha ruột của Nhân) và chị Văn Thị Thúy Hằng (vợ Nhân) vẫn khó tin vào sự thật này.

Ai cũng nén nỗi xúc động để cùng chung sức lo hậu sự cho Nhân. Khi hay tin Nhân chuyển từ Bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh) về nhà, Ban Biên tập, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên Báo Bình Dương ai cũng đứng ngồi không yên, tất cả đều vào thăm Nhân lần cuối trước lúc Nhân ra đi. Xúc động, quá xúc động!

Kỷ niệm gần đây nhất của chúng tôi với Hòa Nhân là những ngày cùng nhau đi tìm tư liệu, nhân chứng phục vụ cho bài viết “Vén màn bí ẩn ngày 10-10-1965 trên địa đạo Tam Giác Sắt”. Sau khi lên Bình Phước, ngược xuống Sài Gòn rồi quay về TX.Thuận An, vòng lên huyện Bến Cát lần theo nơi cư ngụ của các nhân chứng để tìm sự thật đằng sau trận đánh huyền thoại ngày 10-10-1965 tiêu diệt và làm bị thương 150 tên Mỹ tại địa bàn xã An Điền, Hòa Nhân đã cùng chúng tôi phân tích từng cứ liệu các nhân vật cung cấp. Vẫn chưa an tâm với những gì thu hoạch trong tay, Hòa Nhân và tôi lại hẹn nhau tìm về chiến trường xưa, đến tận nhà của các cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng để phỏng vấn củng cố thêm tính chân thật, thuyết phục của sự kiện.

Khi được nhân vật của trận đánh năm xưa là ông Tư Mỏi (Nguyễn Văn Mỏi) dẫn ra thực địa là đoạn địa đạo mà người cựu binh năm xưa cùng 3 đồng đội đã dùng làm lối chui vào lòng đất, thoát khỏi tầm hủy diệt của kẻ thù sau trận đánh, Hòa Nhân đã không nệ hà bùn đất ẩm ướt, nguy cơ rắn rít trú ẩn bên trong mà nhanh nhẩu lần bước xuống miệng địa đạo sâu hoắm, đen ngòm - để tìm hiểu ngày xưa nhân vật bài viết của chúng tôi đã chiến đấu và thoát hiểm ra sao.

Trên đường về, Hòa Nhân nói với tôi: “Nguy hiểm thì ai không sợ, nhưng làm báo phải cần phải đi đến tận nơi, sờ tận tay, ngửi tận mũi thì bài viết mới có chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống, sự kiện, sự việc. Nếu chỉ đứng trên bờ chụp hình rồi về thì cần hai ba thằng mình tới đây làm chi?”

Trong hơn 10 năm làm phóng viên tại Báo Bình Dương, Nhân là một nhà báo xông xáo, ngòi bút sắc bén, chịu khó đi cơ sở để gần gũi với nhân dân nhằm phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhiều bạn đọc nhớ và thương mến Nhân vì anh chính là một phóng viên của nông dân, người lao động. Nhiều khi tác nghiệp, Nhân xuề xòa như nông dân để gần gũi người dân.

Có nhiều lúc để có đề tài hay, Nhân đã cùng ăn, cùng ở tại những vùng xa xôi thuộc huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát để phản ánh hơi thở của cuộc sống. Đối với Nhân, làm báo là phải gần gũi cơ sở, gần gũi người dân để kịp thời nói hộ nông dân, người lao động những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, giúp cho nhiều cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt được bức xúc, tâm tư của người dân.

Với tính cách rất chịu khó trong công việc, hay đi cơ sở, nhất là đeo bám các chủ đề về đề tài nông nghiệp, nông thôn, đời sống của người nông dân, công nhân lao động nên Hòa Nhân đã có nhiều tác phẩm báo chí để lại dấu ấn của mình, thể hiện bản lĩnh chính trị, tay nghề làm báo vững vàng, đạo đức nghề nghiệp xứng đáng cho các đồng nghiệp trẻ noi theo.

Sau nhiều năm là cây viết số 1 trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn; lăn xả, không quản ngại thân mình trong các đợt về vùng dịch để tuyên truyền về dịch cúm gia cầm, đời sống của người chăn nuôi, Hòa Nhân trở thành một trong những cây bút vững vàng trong mảng chuyên đề về chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cách đây không lâu, khi cùng tác nghiệp chung, Nhân còn dự tính nhiều đề tài rất hay, vậy mà hôm nay, bạn đã ra đi. 

Xin vĩnh biệt bạn nhé, Võ Hòa Nhân ơi! Bạn cứ yên nghỉ, bao nhiêu dự định còn lại, chúng tôi xin tiếp tục, chỉ mong hương hồn bạn ra đi thanh thản! Chúng tôi xin nguyện thắp cho bạn những nén hương thơm để cầu cho hương hồn bạn sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc. Vĩnh biệt bạn nhé, người đồng nghiệp chất phác, thật thà, nhưng rất nhiệt huyết, xông xáo của chúng tôi!

HỒ VĂN-CHÍ THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=474
Quay lên trên