Xã hội hóa chợ: Đừng để “cốc mò, cò xơi”!

Cập nhật: 09-05-2013 | 00:00:00

Bài 2: Chủ đầu tư hấp hối, tiểu thương vỡ nợ!

Trước thực trạng chỗ cần xây chợ thì chưa có mặt bằng, chưa tìm được nhà đầu tư; chỗ đã có chợ được tư nhân đầu tư theo hướng xã hội hóa lại thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương nên dẫn đến nghịch lý: Người chấp hành tốt quy định, làm đúng pháp luật thì bị thiệt thòi; trong khi những người vi phạm pháp luật thì ung dung hưởng lợi!

 Tiểu thương hết sức chịu đựng

Anh Trịnh Ngọc Sơn, tiểu thương chuyên mua bán hải sản tại chợ Phú Mỹ (TP.TDM), bức xúc: “Trước đây vợ chồng tôi bán ở chợ Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM. Thấy Bình Dương phát triển nên lên đây bán thử. Vì là chợ tạm, không có chỗ ngồi ổn định, không có giấy phép kinh doanh nên cứ bị đuổi hoài. Khi địa phương vận động đăng ký sạp chợ chúng tôi tham gia ngay để có chỗ buôn bán ổn định, lâu dài. Nào ngờ chợ chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì một số người bỏ sạp ra đường theo sự mời gọi của chủ nhà, chủ đất phía trước chợ. Lúc này tiểu thương và Ban Quản lý chợ có lên tiếng phản ứng thì được lãnh đạo địa phương mời lên đối thoại để tìm hiểu nguyên nhân và hứa sẽ vận động tiểu thương trở lại chợ buôn bán  

Nằm kề bên chợ hợp pháp là chợ tự phát với lượng người mua bán nhiều gấp ba lần, chiếm hết lối đi, tự do xả rác ra đường… (Ảnh chụp tại chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP.TDM)

Đích thân Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ Nguyễn Hữu Thạnh đã phát loa thông báo, phát văn bản đến từng hộ và hứa sẽ dẹp chợ tự phát. Tin tưởng lời hứa đó chúng tôi đã vận động các hộ khác đeo bám, nhưng đến nay đã hơn 1 năm mà vẫn chưa thấy gì”! Anh Sơn cho biết thêm thời gian đầu chỉ trong buổi sáng vợ chồng anh bán hết 15kg cua thì nay lấy 5kg bán từ sáng tới tối vẫn còn… Cua chết, phải đổ bỏ! Mua bán ế ẩm kéo dài lại phải nuôi 2 con nhỏ và trả tiền nhà trọ, nên hơn 1 năm qua gia đình anh đã ăn thâm vào vốn trên 50 triệu đồng và đang thiếu nợ tiền mua hàng. “Thú thật chúng tôi đã hết sức chịu đựng rồi!”, anh Sơn than.

Tiểu thương CÁI NGUYỄN THÙY LINH, kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Phú Mỹ: “Hàng hết date là chúng tôi vỡ nợ!”

Tôi thuê sạp bán mỹ phẩm tại chợ Phú Mỹ hơn 1 năm nay với vốn đầu tư lên đến vài trăm triệu đồng, vậy mà do chợ tự phát không dẹp nên chúng tôi không buôn bán được. Nếu cứ như thế này thì hàng trong sạp sẽ hết date và tiểu thương chúng tôi chắc chắn sẽ vỡ nợ!

 

Cùng cảnh như anh Sơn là hộ anh Trịnh Đức Giang, chuyên buôn bán trái cây tại chợ Phú Mỹ. Anh Giang cho biết: “Buôn bán trái cây, rau củ như tôi không cần vốn nhiều nhưng vì là hàng bông, mua ngày nào phải bán hết ngày đó. Muốn bán được hàng thì rau, trái phải tươi ngon, mà chợ vắng thế này thì tiền bán hàng không đủ chi tiền mua gạo nuôi con. Trong khi còn bao nhiêu thứ tiền phải chi như tiền nhà trọ và đủ thứ chi phí linh tinh khác. Dù nghèo khó, phải kiếm sống hàng ngày ở chợ nhưng chúng tôi không ai muốn mình làm sai quy định và luôn tin vào chính quyền. Chúng tôi chờ đợi đã quá lâu, bao nhiêu vốn liếng mang ra ăn hết, nên rất mong chính quyền đã hứa với dân thì sớm thực hiện để chúng tôi còn buôn bán nuôi gia đình”.

Nhà đầu tư hấp hối!

Bà Phạm Thị Diệp, chủ đầu tư chợ Phú Mỹ, cho biết: “Cũng là người buôn bán lâu năm tại chợ tự phát nên tôi thấu hiểu nỗi khổ cũng như mong muốn của tiểu thương. Do vậy, khi địa phương vận động xây dựng chợ, tôi đã gom góp hết vốn liếng và vay mượn thêm để lập công ty, xây chợ. Nhờ sự ủng hộ và tạo điều kiện của địa phương mà việc lập hồ sơ, thủ tục đến thi công xây dựng đều tiến triển rất tốt. Ngày khai trương ai cũng hân hoan, phấn khởi vì có chỗ buôn bán ổn định. Nhưng chỉ được hơn 1 tháng thì có một vài hộ bỏ ra đường thuê lại mặt bằng phía trước để bán. Thấy người đi trước không bị ai nhắc nhở, xử phạt tiểu thương cứ thế lần lượt kéo nhau đi. Khi chúng tôi lên tiếng phản ánh thì lãnh đạo phường mời lên trình bày sự việc và hứa sẽ dẹp dứt điểm chợ tự phát. Phải nói thật là khi lãnh đạo lên tiếng thì các ngành chức năng địa phương có vào cuộc, nhưng chỉ được vài ba hôm rồi đâu trở lại đấy cho đến nay”.

Bà Diệp cho biết thêm, là chủ đầu tư bà đã tìm đủ cách để tiết kiệm chi phí cho tiểu thương như miễn giảm tiền thuê sạp, chỉ thu tiền điện nước, nhưng nếu chợ tự phát trước chợ Phú Mỹ còn tồn tại thì tiểu thương trong chợ sẽ không buôn bán được, mặc dù trong chợ có đủ chỗ để xe, phân khu hàng hóa đúng quy định. Do không buôn bán được nên tiểu thương quay sang đòi lại tiền đặt cọc thuê chỗ; còn DN thì từ khi thành lập, bỏ tiền xây chợ đến nay vẫn chưa thu được gì. “Tiền lãi vay, tiền lương nuôi bộ máy cùng nhiều chi phí khác đang đẩy chúng tôi đến bờ vực phá sản”, bà Diệp nói.

Khó xử lý?

Đó là câu trả lời của một số cán bộ có chức năng liên quan đến các ngôi chợ tại địa phương mà chúng tôi đang đề cập khi được hỏi sẽ xử lý các điểm chợ tự phát như thế nào. Nhiều tiểu thương buôn bán tại các chợ xã hội hóa cũng cho biết cán bộ có chức năng đến giải quyết chợ tự phát trả lời là rất khó dẹp chợ tự phát vì các hộ cho thuê kiot nằm ngoài chợ đều có giấy phép cho thuê mặt bằng; giấy phép kinh doanh… trong khi luật quy định mọi công dân đều có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật! Còn chủ đầu tư chợ Bình Điềm thì tiết lộ: “Không biết có mối liên hệ thầm kín gì không mà khi ở trên có đoàn kiểm tra xuống dọn dẹp chợ tự phát thì y như rằng dưới này người ta biết trước, dẹp hết vô trong nhà hoặc nghỉ bán!”.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hồ Văn Bình, chợ xã, phường là chợ loại III do cấp xã, phường quản lý. Để xảy ra tình trạng mua bán lộn xộn, tràn lan ra đường gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị là do địa phương không cương quyết xử lý. Vấn đề này cũng được Chủ tịch UBND phường Phú Thọ (TP.TDM) Vũ Đức Phong, chia sẻ: “Luật quy định công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật, tức là kinh doanh phải đúng chức năng và phải đúng địa điểm quy định. Ví dụ đăng ký kinh doanh rau củ quả thì phải bán rau củ chứ bán thêm thuốc bảo vệ thực vật là không đúng; bán rau củ thì phải đúng nơi, đúng chỗ, chứ bày tràn lan ra đường cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường là không được. Kinh nghiệm xử lý của địa phương chúng tôi là phải quyết tâm và có sự phối hợp đồng bộ mới có thể giải quyết dứt điểm được chợ tự phát”. Tương tự, Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ Nguyễn Hoàng Minh, nêu quyết tâm: “Đảng ủy, HĐND phường đã ban hành 2 Nghị quyết làm cơ sở pháp lý để UBND ra quân xử lý dứt điểm chợ tự phát trên đường An Mỹ - Phú Mỹ”.

DN làm ăn đàng hoàng, đúng pháp luật vừa góp phần làm đẹp bộ mặt xã hội, vừa đóng góp cho ngân sách thì không được giúp đỡ. Còn buôn bán tự phát, trái phép không đóng góp được gì cho xã hội, gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường thì cứ tồn tại. Đây là sự bất công không thể chấp nhận!

(Giám đốc DNTN chợ Bình Điềm Trịnh Thị Ngọc Dung)

 

Bài 3: Phường Phú Mỹ quyết tâm dẹp chợ tự phát

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên