Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân:

Xác định các ngành mũi nhọn để tập trung nguồn lực phát triển

Cập nhật: 02-04-2016 | 09:34:41

LTS: Hôm qua (1-4), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020. Ông Phạm Trọng Nhân, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, đại biểu Quốc hội đã có bài phát biểu tại hội trường. Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu này.

Nhìn lại kết quả của giai đoạn 2011-2015, có thể thấy nỗ lực điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng ổn định và thuận lợi cho những năm tiếp theo. Có những điểm sáng rất tích cực mà Chính phủ đã làm được, đó là: Việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đã có chuyển biến rõ nét, các công trình hoàn thành nhanh chóng, với giá thành tiết kiệm. Các chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất cho vay đã thực hiện rất quyết liệt và hiệu quả, từ đó giữ được việc làm cho hàng triệu lao động, cứu được hàng chục ngàn doanh nghiệp khỏi đóng cửa, phá sản. Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của ngành giao thông - vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có được những kết quả này.

Bước sang giai đoạn mới, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều gam màu sáng, tối đan xen. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, với 16 hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, Việt Nam đã thật sự trở thành một thành viên tích cực, năng động trong nền kinh tế toàn cầu.


Ông Phạm Trọng Nhân

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng của từng thành phần kinh tế trước tiến trình hội nhập, tôi rất băn khoăn, lo lắng không chỉ cho các thành phần kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân mà cả thành phần kinh tế Nhà nước trong sân chơi lớn này.

Nếu xem cả nền kinh tế Việt Nam như là một khối tam giác, thì khối đáy lớn nhất, sử dụng nhiều lao động, đóng góp GDP nhiều nhất, là khối kinh tế ngoài Nhà nước: bao gồm kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân với hơn 48% GDP, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với khoảng 20%, khối doanh nghiệp Nhà nước gần 32%, tỷ trọng này chắc chắn sẽ bị giảm theo lộ trình cổ phần hóa. Trong hơn 48% đóng góp của khối kinh tế ngoài Nhà nước, phần lớn lại đến từ khu vực kinh tế cá thể với tỷ trọng hơn 32%, điều này cho thấy thực trạng nguồn lực tập trung lớn của nền kinh tế gần như không có, mà đang rất dàn trải trong khu vực này.

Nhìn về khối FDI, tính đến cuối 2015, xét về số lượng chưa tới 5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ sử dụng hơn 2 triệu lao động, nhưng đã đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 60% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, đây cũng là khối có xuất siêu lớn nhất, gần 14 tỷ đôla. Các con số này chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tương lai gần, do tác động của lộ trình TPP có hiệu lực từ năm 2018, các rủi ro mới xuất hiện cũng như giá nhân công tại Trung Quốc đang tăng cao đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng hưởng lợi nhiều từ các chuyển biến này. Tuy nhiên, với nhiều lợi thế về vốn, công nghệ, thị trường, trình độ và kinh nghiệm quản trị, khu vực FDI chắc chắn sẽ khai thác tốt nhất các cơ hội này, tạo ra cách biệt và tỷ trọng đóng góp GDP ngày càng lớn hơn so với các khu vực kinh tế còn lại. Nếu tiến trình liên tục diễn ra, thì việc nền kinh tế tiến dần đến phụ thuộc vào khu vực này chỉ là vấn đề thời gian, đây không phải là viễn cảnh mà là một thực tế đang diễn ra.

Chúng ta thử nhìn tiếp hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các doanh nghiệp này sẽ rõ và sẽ tiếp tục ứng xử thế nào khi các giải pháp kiểm soát chống chuyển giá thời gian qua gần như hoàn toàn bị vô hiệu, trong khi đó hiện tượng dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng, ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp nhất hiện nay, nền kinh tế thật sự đang phải đối diện với cạnh tranh gay gắt và các nhân tố được xem là động lực, là thành tố trung tâm của năng lực cạnh tranh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng khi hội nhập toàn diện đến gần.

Chưa hết, từ năm 2016, mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ là 20%. Hiểu một cách đơn giản, tức là cùng làm ra lợi nhuận 100 đồng thì các doanh nghiệp FDI có quyền mang ra khỏi Việt Nam 80 đồng. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ giữ 80 đồng còn lại tại Việt Nam. Và chắc chắn 80 đồng lợi nhuận sau thuế còn lại đó của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động lan tỏa tích cực vào nền kinh tế Việt Nam. Sự khác biệt trong tác động cuối cùng vào nền kinh tế giữa nội lực và ngoại lực là ở nghĩa đó. Tôi nghĩ, đó cũng là lý do tại sao chúng ta nên cần phải làm mọi cách để phát triển, gia tăng nội lực, trong khi vẫn tiến hành quá trình hội nhập thật tốt.

Thế nhưng, việc xác định đâu là thế mạnh, ngành mũi nhọn, có khả năng phát sinh nội lực thực sự trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm tập trung nguồn lực để tăng cường sức mạnh cho các khu vực kinh tế trong nước nói chung trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân là việc không hề dễ dàng? Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có một bước phát triển mới về nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân và được đông đảo dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Đó là sự xác nhận “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” trong sự phát triển của đất nước. Và tại giải pháp thứ 2 trong báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội, kinh tế hộ gia đình”. Tôi cho rằng đây thật sự là một chủ trương đúng đắn. Tôi và các đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp mong được sớm nhìn thấy các chính sách tạo động lực một cách cụ thể, rõ ràng hơn để triển khai cho mục tiêu này.

Đã có rất nhiều ý kiến về việc, làm sao để có được số lượng 1 triệu, 2 triệu và thậm chí nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong tương lai để nâng tầm doanh nghiệp, nâng cao năng lực và tính tự chủ cho nền kinh tế Việt Nam. Giải bài toán này, trước hết, chúng ta phải trả lời câu hỏi: Đâu là động lực để người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, muốn khởi nghiệp khi họ thấy còn có quá nhiều khó khăn, bất cập trong môi trường đầu tư như hiện nay?

Vì vậy để giúp sức cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng, những đối tượng được xem là yếu thế của cuộc chơi không cân sức, thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan hữu quan, trước mắt tôi kiến nghị sớm trình và thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hãy kiến tạo một môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi, lành mạnh và an toàn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng một cách thực chất và chỉ có như vậy, mục tiêu dân giàu nước mạnh mới có cơ sở sớm trở thành hiện thực.

 “Nên chăng, đề nghị thành lập một “Hội đồng Phát triển doanh nghiệp quốc gia” do một Phó Thủ tướng đứng đầu phụ trách, với sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chuyên xử lý những vấn đề liên quan về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh rất đáng để chúng ta suy ngẫm”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2185
Quay lên trên