Xây dựng thành phố thông minh: Trường học định hướng doanh nghiệp

Cập nhật: 06-07-2017 | 09:04:30

Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đang thực hiện Chương trình chiến lược đột phá “Binh Duong Navigator 2021” nhằm giới thiệu và sử dụng những yếu tố cơ bản của mô hình hợp tác “Ba nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học/nhà trường); trong đó có chương trình hành động trường học định hướng DN, giữ vai trò dẫn đường trong mô hình “Ba nhà”…

Theo các chuyên gia, tương tác giữa “Ba nhà” là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển trong nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Trong ảnh: Hoạt động giảng dạy tại trường Đại học Việt Đức (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Nền tảng của một xã hội tri thức

Theo các chuyên gia, tương tác giữa “Ba nhà” là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển trong nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Nhà trường là nền tảng cho một xã hội tri thức. Nhà trường nhận nhiệm vụ bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất mới và quảng bá nền kinh tế tri thức. Trong đó, vai trò của trường đại học đối với các ngành công nghiệp chính là sự kích thích phát triển của các DN mới (khởi nghiệp) từ những nghiên cứu, mang đến giá trị vốn hóa kiến thức. Còn các công ty phát triển đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực và chia sẻ kiến thức thông qua liên doanh, hoạt động gần giống như các trường đại học.

Sự thay đổi của các trường học đóng vai trò quan trọng trong sự đổi mới thông qua việc mở rộng từ nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu truyền thống sang hướng mới tập trung vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Một trường học định hướng DN dựa trên 4 trụ cột chính, gồm: Lãnh đạo nhà trường có thể xây dựng và thực hiện tầm nhìn chiến lược; kiểm soát pháp lý về tài nguyên tri thức; năng lực tổ chức để chuyển giao công nghệ thông qua bằng sáng chế, cấp phép; một đặc tính kinh doanh giữa các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên.

Trường đại học là một vườn ươm tự nhiên, hỗ trợ cho giáo viên và sinh viên bắt đầu những dự án mới. Họ sẵn sàng cung cấp thời gian và không gian, thể chất và xã hội để tạo nền tảng cho dự án mới, bất kể là lĩnh vực chính trị, trí tuệ hay thương mại. Với trường đại học cũng là nơi ươm mầm cho các lĩnh vực khoa học và ngành công nghiệp mới. Cụ thể, công nghệ sinh học là ví dụ điển hình của hiện tượng này.

Bên cạnh đó, trường học trở thành nguồn cung cấp công nghệ, nguồn nhân lực và kiến thức. Ngoài việc cung cấp những ý tưởng mới cho DN hiện có, các trường còn sử dụng khả năng nghiên cứu và giảng dạy của họ trong lĩnh vực tiên tiến của khoa học và công nghệ, tạo thành những DN mới. Nhà trường cũng mở rộng khả năng dạy của mình từ việc giáo dục cá nhân cho đến việc định hình các tổ chức trong chương trình giáo dục.

Theo Chương trình chiến lược đột phá “Bình Dương Navigator 2021”, sự biến đổi của trường học từ vai trò thứ cấp sang vai trò chính yếu là một kết quả bất ngờ của sự phát triển thể chế trong xã hội hiện đại. Kết quả là ngành công nghiệp tri thức trong xã hội hiện đại không còn là vấn đề thứ yếu thực hiện bởi một tầng lớp tri thức, mà nó trở thành một DN khổng lồ ngang hàng với ngành công nghiệp nặng. Khi ý nghĩa thực tiễn trở lên gần gũi hơn, vị trí của nghiên cứu sẽ trở thành một vấn đề chính trị, liên quan đến mọi nền kinh tế của địa phương...

Nâng cao hiệu suất của nhà trường

Trong mô hình “Ba nhà”, việc tạo ra kiến thức và công nghệ mới trở lên quan trọng hơn. Ở cấp độ này, việc nâng cao hiệu suất của trường đại học và các tổ chức giáo dục trở thành vấn đề quan trọng, như là một phần của chiến lược để mô hình “Ba nhà” đổi mới nền kinh tế hoặc tạo ra các hoạt động kinh tế mới dựa trên vốn trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu phát triển thuộc nhà nước đến các phòng thí nghiệm trong trường đại học hay trong DN. Tri thức mới từ trường đại học trở thành cơ sở cho việc hình thành DN, bên cạnh đó trường đại học và các cơ sở đào tạo đóng vai trò như là DN. Đây chính là cốt lõi của mô hình “Ba nhà”.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có hơn 30.000 DN, 8 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp chuyên nghiệp và 59 cơ sở giáo dục, dạy nghề, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương. Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương sẽ triển khai chương trình hỗ trợ hệ thống giáo dục của các trường trong tỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), cho biết để phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục tỉnh nhà, sinh viên, giáo viên và nghiên cứu sinh cần được hỗ trợ để tiếp cận, làm việc thêm ở nước ngoài trong những môi trường trình độ thế giới. Kinh nghiệm và kiến thức mà họ thu được từ những khóa trao đổi này sau đó có thể được áp dụng vào các đơn vị của tỉnh. Hoạt động này được triển khai ở tất cả cấp giáo dục. Để tối đa hóa lợi ích đầu tư, cần tập trung vào lĩnh vực chuyên môn liên quan nhiều nhất đến ngành công nghiệp và dịch vụ với hàm lượng tri thức, công nghệ cao sẽ phát triển trong tương lai ở Bình Dương. Bước đầu tiên của hoạt động này giữa thành phố Eindhoven (Hà Lan) và Bình Dương là trao đổi sinh viên và nghiên cứu sinh về các chủ đề liên quan đến thành phố thông minh, giữa Đại học Kỹ thuật Eindhoven và các trường đại học chất lượng cao có mô hình quốc tế trong tỉnh.

Hiện nay, hầu hết các trường đại học ở Bình Dương tập trung vào hoạt động giáo dục hơn là nghiên cứu. Để tạo ra môi trường cạnh tranh quốc tế trong tương lai, mà sáng tạo và nghiên cứu là chìa khóa, các trường đại học ở Bình Dương cần mở rộng hoạt động đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với ưu tiên dành cho những lĩnh vực chuyên môn phục vụ phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ hiện nay và những ngành sẽ phát triển trong tương lai của Bình Dương. Việc huy động nguồn lực bằng hợp tác quốc tế là một điều kiện quan trọng, giúp các trường đại học tìm nguồn tài trợ và chuẩn bị xây dựng chương trình này… Việc đạt được các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục của ABET hay AACSB không những tạo ra nền tảng cho sự cải thiện chất lượng giáo dục liên tục, mà còn giúp các trường đại học của Bình Dương được xếp vào hàng ngũ những trường đại học chất lượng trên thế giới.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ năng thực tế, kinh nghiệm làm việc của thị trường hiện tại và cả trong tương lai, việc kết nối trường dạy nghề và trường đại học với các công ty trong khu vực tổ chức bắt buộc thực tập ở tất cả cấp đào tạo sẽ là cách thực tế nhất để sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc thật sự.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay hệ thống giáo dục tổng thể của Việt Nam chủ yếu giảng dạy và đào tạo lý thuyết. Trong khi đó, thị trường đang có nhu cầu cao về lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng, có kinh nghiệm làm việc thực tế và khả năng áp dụng kiến thức lý thuyết. Các khái niệm phòng thí nghiệm chế tạo (FabLab), phòng thí nghiệm công nghệ (TechLab) và không gian sáng tạo (MakerSpaces) là những không gian có sẵn máy móc thực hành sử dụng trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu phát triển. Sinh viên, công ty khởi nghiệp hay những DN vừa và nhỏ trong khu vực có thể sử dụng chung thiết bị của các không gian này với chi phí thấp để làm việc với công nghệ mà không cần đầu tư tốn kém vào máy móc. Cán bộ giảng dạy có thể hỗ trợ người sử dụng và tổ chức tập huấn cho mọi người. Đây là chìa khóa để cải thiện khả năng sản xuất để tăng tính hiệu quả, giảm chi phí và cải tiến về chất lượng sản xuất nhằm duy trì vị thế cạnh tranh.

 

 PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên